Ponagar - tiếng vọng văn hóa ngàn năm

Thứ sáu, 09/01/2015 14:09

(Cadn.com.vn) - Cuối ngày, hoàng hôn phủ lên quần thể tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, Khánh Hòa) một thứ ánh sáng vàng đỏ, buồn man mác, như gợi nhớ về một thời văn hóa Chăm rực rỡ nhiều huyền tích...

TRUYỀN THUYẾT VỀ NGƯỜI MẸ XỨ SỞ

Trên bậc thang dẫn lên khu vực tháp Bà, tôi được anh La Sam Đinh kể cho nghe về truyền thuyết người Mẹ xứ sở “YangPoh Inư Nagar” của dân tộc Chăm. Ngày xưa, có hai ông bà lão sống với nhau lâu năm nhưng không có con. Ông bà phát rừng làm rẫy trồng dưa tại chân núi “LangLiri” (núi Đại An, Diên Khánh, Khánh Hòa ngày nay). Suốt thời gian dài, hễ trái dưa nào chín là đều bị mất. Một đêm, ông lão bắt gặp một cô bé 9 - 10 tuổi hái dưa rồi chơi đùa dưới trăng. Thấy cô bé xinh xắn, dễ thương ông đem về nuôi mà không biết cô bé ấy là tiên giáng trần. Một ngày mưa gió, cô bé mắc lỗi, bị ông lão trách mắng. Buồn rầu, cô hóa thân vào khúc kỳ nam (trầm hương) đang xuôi theo dòng nước. Khúc kỳ nam trôi ra biển rồi tấp vào nơi gần cung đình phương Bắc, hương tỏa ngào ngạt một vùng. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem thực hư ra sao. Khi chàng đụng vào thì khúc gỗ bỗng tỏa sáng. Chàng liền đem về hoàng cung và nâng niu như báu vật.

Ít lâu sau từ thân trầm hiện ra một cô gái xinh đẹp, kết hôn với hoàng tử Bắc Hải, sinh được 2 con trai tên là Hai và Tray. Sống ở phương Bắc được một thời gian, vì bất đồng với chồng, vì nhớ cố hương, nên bà lại nhập vào thân trầm trôi về quê hương. Bà đi tìm lại hai ông bà lão nghèo ngày trước nhưng họ đã mất. Từ đó bà ở lại xứ Chăm, dạy chữ nghĩa cho dân, dạy dân làng cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây dựng đền tháp, thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng để thờ thần... Sau đó bà hóa phép về lại chốn bồng lai. Từ đó người Chăm suy tôn bà là Nữ thần xứ sở (Poh Inư Nagar). Người Chăm xây dựng nhiều đền tháp (trong đó có Tháp Bà Ponagar tại Nha Trang) và hàng năm cúng vía vào ngày 23-3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của Mẹ xứ sở.

Rít hơi thuốc thật sâu, La Sam Đinh tâm sự: “YangPoh Inư Nagar được xem là mẹ xứ sở của người Chăm. YangPoh Inư Nagar hiện diện trong tâm thức người Chăm như một vị thần tối thượng sinh ra mọi thứ từ vũ trụ đến đất đai, cây cối, lúa gạo và cả con người”.

Kiến trúc độc đáo và chạm trổ tinh xảo của quần thể tháp Bà Ponagar.

ĐỘC ĐÁO KIẾN TRÚC NGÀN NĂM TUỔI

Tháp Bà Ponagar là biểu tượng tiêu biểu cho lối kiến trúc độc đáo trong hệ thống đền thờ của người Chăm. Quần thể tháp là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bằng chất liệu gạch nung, nằm trên đỉnh ngọn đồi thuộc P. Vĩnh Phước, ven cửa sông Cái, cách trung tâm TP Nha Trang 2km về phía bắc. Tháp Bà Ponagar dùng để chỉ chung quần thể đền tháp nhưng thực ra là tên gọi của ngọn tháp lớn nhất, cao gần 23m.

Khu quần thể được chia thành 3 tầng. Tầng 1 là ngôi tháp cổng hiện nay không còn, từ đó có những bậc đá dẫn lên tầng giữa. Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) gồm 22 trụ hình bát giác, có chiều cao khác nhau. Theo lịch sử văn hóa Chăm, đây là khu vực chuẩn bị hành lễ của cộng đồng người Chăm trước khi vào các tháp cầu cúng.

Tầng trên cùng là nơi 4 ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây khít mạch không nhìn thấy chất kết dính. Tháp chính ở dãy trước cao khoảng 23 mét, gọi là dinh Bà, thờ nữ thần Ponagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Tháp giữa (dinh Ông), tháp đông (dinh Cố), tháp Tây Bắc (dinh Cô, Cậu). Đây là không gian chính để tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội của người Chăm xưa.

Trải qua gần 10 thế kỷ, quần thể tháp vẫn tồn tại như một sợi dây văn hóa, kéo dài từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau, bất chấp sự xói mòn của thời gian.

Các thiếu nữ Chăm với điệu múa lu truyền thống của dân tộc mình.

TIẾNG VỌNG VĂN HÓA NGÀN NĂM

Với lối kiến trúc độc đáo và đặc sắc, quần thể đền tháp Ponagar là nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm; là không gian văn hóa tâm linh của rất nhiều tín đồ. Lễ hội Tháp Bà thường diễn ra từ ngày 21 đến 23-3 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động  phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa Chăm và được xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia. Trải bao thăng trầm lịch sử, người dân sinh sống dọc đôi bờ sông Cái vẫn lưu truyền huyền tích về Mẹ xứ sở Ponagar và hằng năm, lễ hội tháp Bà được tổ chức trọng thể, chu đáo.

Đến thăm tháp Bà Ponagar, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Chăm độc đáo và uyển chuyển. Du khách sẽ ngây ngất trước vẻ duyên dáng, khéo léo trong cách xoay chuyển cánh quạt, trong cách đội lu tài tình trên cái nền tiếng trống Ghi-Năng, trống Paranưng, tiếng kèn Sanarai đắm say lòng người. Đây là bộ ba nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm.

Dưới những ngôi tháp Chăm ngàn năm tuổi, tôi như ngẩn ngơ trước những thiếu nữ Chăm với những vũ điệu truyền thống như đang kể câu chuyện từ ngàn năm trước cha ông mình còn dang dở, câu chuyện về một thời văn hóa Chăm rực rỡ sắc màu…

Hà Anh