“Quả Bầu Nước” tuyệt phẩm của người Gia Rai

Thứ năm, 15/12/2016 10:29

(Cadn.com.vn) - Bằng đôi tay khéo léo, tinh tế, những người đồng bào Gia Rai ở Kon Tum đã chế tác những quả bầu thô lấy về từ nương rẫy, thành nhiều vật dụng gia đình nhìn rất “bắt mắt”. Những quả bầu xinh xắn này còn vượt biên giới làm quà lưu niệm cho du khách có dịp ghé thăm vùng đất cao nguyên hùng vĩ.

Những quả Bầu Nước đang được dân làng Lút chế tác.

Quả Bầu Nước có nhược điểm khi còn non ăn không ngon vì vị đắng và mùi rất nồng. Từ đó nhiều người Gia Rai nghĩ ra cách chế tác quả bầu thành bình đựng nước mang theo khi đi lao động trên nương rẫy. Một lần đến làng Lút, xã Gia Tăng, H. Sa Thầy, Kon Tum,  chúng tôi gặp nhiều người đồng bào Gia Rai chế tác quả Bầu Nước thành vật dụng sử dụng trong gia đình. Với kích thước nhỏ gọn, quả Bầu Nước được người Gia Rai gọi đó là những bình nước đóng chai di động, tiện cho việc sử dụng khi đi lao động xa nhà. Anh A.Lích (40 tuổi, trú làng Lút, xã Gia Tăng) cho biết: “Những quả bầu làm bình đựng nước phải được chọn rất kỹ, đầu tiên phải xem bình có vết nứt hay không, rồi sau đó mới dùng dao nhọn khoét lỗ. Phải xử lý hết sức khéo léo, thành phẩm mới đẹp được”. Cũng theo anh Lích, sau hơn nửa giờ đẽo gọt quả Bầu Nước, người dân sẽ mang vào nương rẫy, ruộng có nhiều nước và bùn, đổ nước vào đầy thân bầu, dùng dây cột chặt vào từng trái và ngâm dưới bùn khoảng 2 tháng. Khi kiểm tra thấy da bầu không còn, lấy một quả ra súc nước sạch, rồi sau đó đem ngửi, thấy hết mùi mốc thì coi như đã dùng được. Sau đó quả bầu được nhuộm màu đen bóng bằng các loại cây lá trong rừng như lá cây Me Rừng, Mật Meo, hoặc hạt cây trái Ngheng. Khi hái về, người Gia Rai sẽ dùng cối giã nước và ngâm quả bầu vào để nhuộm đen. Lúc này, quả Bầu Nước trông rất đẹp mắt, có thể làm sản phẩm lưu niệm cho du khách. Nhiều năm gần đây, người Gia Rai thường lấy hạt Bầu Nước về gieo trồng và nhân giống.

Loại lá cây được mang trong rừng về để nhuộm những quả bầu.

Chị Y Diên (41 tuổi, trú làng Lút) cho biết thêm: “Những quả bầu như làng mình, không những dùng được mà còn có thể bán cho khách mua về làm đồ lưu niệm. Tùy thuộc vào hình dáng, vẻ đẹp mà chúng tôi bán với giá khác nhau. Ví dụ, quả đẹp ưa mắt thì có giá 200.000 đồng, còn quả không tốt lắm thì  khoảng 100.000 đồng. Nói chung, làm hơi nhiều thời gian nhưng khi bán thì vẫn có giá trị, vừa có việc làm cho người Gia Rai nghèo khổ, chưa có điều kiện”. Bầu Nước được làm rất công phu, có giá trị văn hóa và là sự trường tồn của một tộc người sinh sống gần gũi với thiên nhiên. Sản phẩm thể hiện sự khéo léo, tinh tế, đơn giản nhưng rất đẹp.

Ngọc Giang - Kỳ Anh