Qua khó khăn tôi mang ơn nhiều người...

Thứ tư, 09/02/2022 16:25

Tính đến đầu tháng 11-2021, khi thực hiện trạng thái bình thường mới, suốt trong hơn 6 tháng, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người ở TPHCM. Nhiều gia đình có tất cả thành viên đều nhiễm bệnh, có những gia đình có nhiều người mất do COVID-19… Một số người thân quen của tôi cũng đã ra đi trong nỗi đau khôn tả. Từ tháng 11 trở đi, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Các chỉ số dần tích cực lên hẳn và trên cơ sở đó thành phố mở lại dần các hoạt động, đời sống người dân cũng được cải thiện tốt hơn nhiều so với thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để. Đó là sự nỗ lực chung của chính quyền và người dân thành phố, với sự giúp đỡ chí tình của Trung ương và đồng bào cả nước. Qua một thử thách lớn, hầu như ai cũng thấy tình đoàn kết cộng đồng, nghĩa đồng bào dân tộc càng thêm ấm nồng, sâu đậm.

Em bé được sinh ra trong khu cách ly (Phim Ranh giới).

Tôi nhớ lại những ngày cả nhà chống chọi với dịch bệnh thấy thật gian nan nhưng cũng có những xúc cảm đặc biệt. Đầu tiên là vợ tôi nhiễm bệnh, dù ở nhà suốt, chỉ qua lại với hàng xóm trong trạng thái 5K đầy đủ, trừ một lần đi xét nghiệm cộng đồng… Khi có kết quả test nhanh, vợ tôi được đưa vào khu cách ly, sau đó phải nhập viện. Đúng ngày vợ nhập viện thì đến con gái lớn cũng phát hiện dương tính. Sau khi mẹ con được đưa vào bệnh viện thì ngay tối đầu tiên con gái phải nằm cấp cứu. Đến ngày hai mẹ con được xuất viện thì con gái nhỏ cũng dương tính. Sau hai ngày đi cách ly, nhập viện, thậm chí phải nằm viện lâu hơn chị. Sau hai tuần thì có những ngày chỉ số SpO2 xuống thấp, phải thở oxy, khi vừa điều trị vừa phải học trực tuyến… 

Suốt quá trình đó, ai nấy trong gia đình đều lo lắng, trầm cảm. Người ở nhà thì nóng ruột với người trong bệnh viện, người đang điều trị thì hồi hộp cho sự an toàn của người ở nhà, ông bà lớn tuổi thì hở chút lại sụt sịt… Cảm giác đó thật khó có thể chia sẻ!

Thật may mắn, mọi người đã vượt qua thời khắc khó khăn. Đó là điều mà một số gia đình khác không có được. Đương nhiên có sự nỗ lực của từng người nhưng hẳn phải tin rằng niềm tin từ cộng đồng truyền lại rất đáng kể. 

Trên hết, tôi phải cảm ơn rất nhiều người đã giúp đỡ, chia sẻ, động viên... Như việc bố trí cho vợ và con gái ở cùng một phòng tại bệnh viện dã chiến; việc trông nom giúp con gái nhỏ trong thời gian ở một mình tại bệnh viện thì nhờ một chị F0 là bạn của gia đình, rồi khi chị ấy về lại có một chị khác (quen “bắc cầu”) trông giúp cháu...

Nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp, học trò… sau khi biết chuyện đã tới tấp hỏi han và sẵn lòng giúp đỡ. Có anh đồng nghiệp nhiệt tình chuyển các phần hỗ trợ của cơ quan, trong đó có các túi thuốc F0 về để gia đình dùng trong lúc cao điểm giãn cách, việc đi lại và mua sắm rất khó khăn… Có cô bạn nhờ tình nguyện tham gia hỗ trợ bên Mặt trận Tổ quốc thành phố nên có giấy đi đường, hay tranh thủ tiện đường mang tiếp tế thực phẩm, thuốc xông dù phải qua nhiều chốt kiểm soát… Có anh bạn nghe tin nhà tôi có việc không hay liền điện thoại nhờ cậy khắp nơi để tìm cách giúp… Có người bạn mới quen đi từ trung tâm thành phố ra mang bánh trái và nói “lúc này tụi nhỏ chắc thèm các món này lắm…”. Có cộng tác viên ở chỗ còn đi siêu thị được liền hỏi cần mua gì và mang đến tận nhà, dù phải đi nghịch đường… Có người bạn cả nhà đang là F0 mà vẫn hỏi có cần gì để nhờ anh em trong khối của anh phụ trách tại địa phương giúp đỡ. Chị tổ trưởng dân phố vài bữa ghé hỏi gia đình có thiếu gì không, lâu lâu lại đặt trước cửa một túi rau củ hoặc cá, trứng… Cô giáo chủ nhiệm cũ của con gái nhỏ biết tin thì hay nhắn tin động viên cháu và luôn hỏi cháu cần gì liên quan đến môn học thì báo lại để cô giúp...

Nhiều sự quan tâm, hỗ trợ khác mà khó lòng liệt kê ra cho đủ. Sự giúp đỡ, sẻ chia nào cũng đáng quý, đáng trân trọng và thực sự đã giúp gia đình tôi vượt qua thời khắc khó khăn đó.

Dịch bệnh thực sự vô cùng phức tạp và nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề về thực tế lẫn trong tâm tưởng hay tình cảm. Thực tế thì số ca nhiễm và ca tử vong tại TPHCM chiếm tỷ lệ cao nhất nước, thời gian diễn ra rất lâu, tác động đến hầu như tất cả các mặt của đời sống và có liên quan đến rất nhiều địa phương. Nhưng rất nhiều người đã vượt qua được, bên cạnh sự nỗ lực và hiểu biết về phòng chống dịch của bản thân còn nhờ vào sự giúp đỡ của các y bác sĩ, của các tình nguyện viên, và của nhiều người khác. Gần như dịch bệnh tuy làm mọi người phải ngăn cách tiếp xúc về mặt không gian nhưng lại xích gần nhau hơn về mặt tình người. Trải nghiệm đó tuy không ai muốn nhưng cũng thật đặc biệt, cũng thật có ích và để lại cho mọi người xúc cảm khó quên. 

Từ câu chuyện của gia đình, một bài học tôi rút ra được là, nếu đã không may thành F0 hoặc có người thân là F0 thì nhất quyết không bỏ cuộc mà phải kiên cường chiến đấu đến cùng, vì sau lưng còn có người thân, xã hội… đồng hành, tiếp sức. Mỗi một người vượt qua dịch bệnh thì không chỉ là thành công của riêng người đó mà còn của gia đình, đồng nghiệp, bè bạn và rất nhiều người khác. Bản thân mỗi người bệnh phải nỗ lực vượt qua bệnh tật bằng việc tuân thủ phác đồ điều trị của các y bác sĩ; tích cực rèn luyện sức khỏe, từ việc tập thở, thường xuyên vận động cho đến luôn giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ; nhiễm bệnh không phải là một bi kịch mà nên xem là một thử thách, về ý chí kiên cường, về thái độ dũng cảm đương đầu, nhất là trong giai đoạn đã phủ đủ 2 mũi vaccine vốn không còn quá nguy hiểm…

Vượt qua được khó khăn tôi mới thấy là đã nợ quá nhiều người, cả vật chất lẫn ân tình. Mà không, tôi đã mang ơn quá nhiều người, dù chỉ là một lời thăm hỏi, một câu động viên... Có lẽ đây là điều không chỉ mỗi mình tôi nghĩ đến. Và từ nay đến ngày thành phố này, đất nước này thực sự hoàn thành công tác chống dịch, có lẽ sự sẻ chia, lòng biết ơn của mỗi người càng lúc thêm dày, thêm đậm! 

NGUYỄN MINH HẢI