Quả ngọt cho cả trăm năm

Thứ năm, 30/07/2015 08:41

30 năm – một cuộc hội ngộ

(Cadn.com.vn) - Đêm tháng 7 vừa rồi, cựu học sinh khối chuyên THPT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 1982-1985 tổ chức Gala "Biển hè 30 năm Hội ngộ". Thật khó diễn tả hết cảm xúc khi gặp lại bạn bè sau 30 năm từ ngày giã biệt thầy cô, bè bạn, mái trường.

Đây là khóa thứ hai của Khối chuyên THPT tỉnh QN-ĐN (tiền thân của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng bây giờ), chỉ có 4 lớp gồm: chuyên Toán, chuyên Văn, chuyên Ngoại ngữ, chuyên Lý...  Số học sinh mỗi lớp nhiều nhất cũng không quá 20 người, do chưa có cơ sở vật chất riêng nên được "học ké" tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Một phòng học được chia đôi bằng ván dành cho 2 lớp, do cách âm không được tốt nên mọi người thường đùa rằng chúng tôi gặp "hên" vì mỗi tiết được học cả hai thầy, hai môn. Hồi đó, thấp thoáng trong chúng tôi là giấc mơ về ngôi trường riêng của khối chuyên THPT tỉnh QN-ĐN mà chỉ ít năm sau đó đã rõ hình hài. Đó là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - ngày trước tọa lạc tại 47- Lê Lợi và bây giờ là ngôi trường rất khang trang tọa lạc bên bờ sông Hàn thơ mộng.

Cựu học sinh khối chuyên THPT tỉnh QN-ĐN khóa 1982-1985 và các thầy cô chụp ảnh lưu niệm.

Nhưng dù có nghĩ ngợi mông lung thế nào đi nữa, đã mấy chục năm rồi, mỗi khi đi trên đường Lê Lợi, cứ nhìn vào sân trường Phan Châu Trinh, nơi có hàng xà cừ mùa thu về rụng những trái màu nâu nứt vỏ là lòng lại xốn xang. Kỷ niệm đã từng khuất lấp, ẩn sâu trong cuộc mưu sinh với bao nhọc nhằn của mỗi hoàn cảnh, mỗi đời người, bỗng ùa về làm cho mỗi người khó nén nổi cảm xúc. Bất giác đặt bàn tay lên ngực, nghe trái tim dường như đang đập khác thường, mạnh mẽ và tràn đầy cảm xúc...

30 năm trôi qua, thời gian khá dài so với mỗi đời người. Từ ngày chia tay ấy, chúng tôi như những cánh chim bay đi khắp các phương trời. Có người hiện ở cách nhau đến nửa vòng trái đất, có người vào Nam, người ra Bắc, có người ở lại với khúc ruột miền Trung đầy nắng gió. Cũng bởi vậy mà cuộc Hội ngộ sau 30 năm xa cách đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi người. Hôm ấy, bên biển Đà Nẵng, ngồi bên bạn bè mà phần nhiều tóc đã ngả màu, cái chín chắn của lứa tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" vụt đi đâu mất, chỉ còn lại giọng nói tiếng cười trong trẻo và hồn nhiên của thuở thiếu thời. Chúng ta đã có một dịp hội ngộ để hồi sinh tất cả. Không chỉ là nỗi nhớ về kỷ niệm, mà đằm sâu hơn là nỗi nhớ thầy cô, bạn bè ở xa không thể có mặt, và những người bạn đã vĩnh viễn đi xa...

Trong ngày đoàn viên ấy, cùng với niềm vui gặp lại bạn bè, cựu HS khối chuyên đã có sáng kiến độc đáo: đấu giá các kỷ vật gồm logo khối chuyên, kỷ niệm chương, đồng xu tiền Anh 120 tuổi và tấm ảnh chụp chung toàn bộ cựu HS với các thầy cô giáo có đầy đủ chữ ký các thành viên với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Số tiền này sẽ được lập Quỹ khuyến học và trợ giúp bạn bè khối chuyên gặp khó khăn, hoạn nạn.

Đấu giá kỷ vật lập Quỹ khuyến học.

...Và hành trình 30 năm của một bài thơ

Trong đêm hội ngộ có đông đủ các thầy cô từng chủ nhiệm và dạy các lớp chuyên, riêng thầy Trần Sáng-Chủ nhiệm lớp chuyên Văn trong 3 năm THPT hiện đang ở xa không về dự được. Nhưng thầy vẫn hiện hữu trong tâm khảm và tình yêu của lớp học trò ngày trước. Bài thơ mà thầy tự tay chép vào lưu bút của từng đứa học trò ngày ấy được đọc lại làm cho mọi người đều bùi ngùi xúc động: "... Cuộc đời - nơi sắp tới/ Vùng bình yên, cây biếc trời xanh/ Hay biển khơi sóng dậy muôn trùng?/ Con đường có bốn mùa cỏ lạ/ Hay lần qua còn rỉ máu bàn chân?/ Dù sao cũng phải lên đường/ Gặp bão dông hãy tự cho là số phận/ Nếu bình yên, chớ ngại ngần gọi tên điều may mắn/ Con đường nào cũng khẳng định cuộc đời..." (trích).

Và khi đọc những dòng thư, xem những hình ảnh của học trò trong đêm hội ngộ, thầy Trần Sáng đã hồi âm: "Thầy vui chảy nước mắt! Cảm ơn tất cả các em lớp mình và cả các lớp bạn đã dành cho thầy những tình cảm đặc biệt! Ấy cũng là những quả ngọt, thầy hái cả trăm năm. Quà tặng đầu mùa là những dòng thầy viết cho các em, tuy "lời quê chắp nhặt, dông dài" nhưng được các em trân trọng suốt 30 năm... nó đã trở thành tác phẩm hay nhất của thầy!". Vâng! Trong 30 năm ấy, nhiều học trò của thầy bao lần lật giở lưu bút, nhìn gương mặt, ánh mắt và nét chữ của thầy, nhớ lắm những ngày thầy - trò cam khổ mà dặn lòng dù khó khăn mấy cũng không được chùn bước. Thầy bảo "lời quê chắp nhặt, dông dài", nhưng 30 năm ấy cho chúng tôi hiểu lời thầy không phải để "mua vui một vài trống canh", mà lời thơ của thầy cũng như lời dạy của các thầy, cô ngày ấy thật sự là hành trang quý như ngọc soi sáng trên mọi chặng đường đời.

Có điều rất lạ là hồi đó thầy chưa đến 40 tuổi, vậy mà những ý nghĩ của thầy sao mà giàu trải nghiệm đến độ ở tuổi ngũ thập như chúng tôi bây giờ càng nghiền ngẫm càng thấm thía. Mãi mãi sau này cũng vậy, mỗi khi đọc lại bài thơ này, trong lòng mỗi người đều tràn đầy xúc cảm. Cứ ngỡ như mỗi bước chân, mỗi ngả rẽ, mỗi chặng đường, chúng tôi đi đến đâu cũng như thấy thầy đã ở trước mặt để chỉ bảo. Trong câu chuyện về đối nhân xử thế, về cuộc sống, về tình yêu, tình bạn..., chúng tôi đều "gặp" thầy. Càng lớn tuổi, chúng tôi như được "gặp" thầy nhiều hơn.

Bây giờ đây, các thầy cô đã già và chúng tôi cũng đứng tuổi. Vậy mà nghe thầy bảo "chúng em là trái ngọt thầy hái cả trăm năm", lòng chúng tôi bồi hồi cảm xúc kính yêu, nhớ thương thầy cô xen lẫn niềm tự hào. Giữa cuộc sống bộn bề này, hẳn nhiên hiếm ai tin là mình hoàn hảo. Điều đó cho chúng tôi hiểu thêm một điều giản dị:  rằng với học trò, thầy cô bao giờ cũng rộng lượng, bao dung!

Nguyễn Đức Nam