Quà quê ngoại
Giỗ ngoại là dịp để con cháu tựu tề đông đủ nhất năm. Đận cuối đông, đầu xuân tiết trời vẫn vương mưa bụi và se lạnh. Cậu mợ dậy sớm hơn thường lệ. Trong khi mợ loay hoay nhen bếp củi đỏ rực thì cậu kịp bắc lên ấm nước, phần bếp còn lại mợ bắc nồi hấp bánh lọc. Từ đêm hôm trước, các món cỗ đều đã được chuẩn bị sẵn. Phần việc cuối cùng nhưng không thể thiếu mỗi lần giỗ ngoại đó là nhồi bột lọc làm bánh. Lá chuối được cắt vào từ sau vườn, mợ cẩn thận rửa sạch, chần qua nước sôi để lá không bị vỡ khi gấp nếp bọc từng chiếc bánh. Món bánh lọc của cậu mợ thường được làm bằng nhân đậu lạc, thi thoảng mợ mua được mớ tép sông thay thế. Món bánh quê mùa dân dã, hình thức không bắt mắt như bao hàng quán ở phố thị nhưng lúc nào cũng hấp dẫn chúng tôi. Cậu tuy rất khó tính nhưng vẫn tỏ vẻ hài lòng khi thức quà của cậu vừa hấp xong đã hết veo sau vài phút.
Khi ánh mặt trời vừa ló lên từ phía biển, chiếu những tia nắng lung linh xiên qua tán lá tre đầu ngõ, con dâu cả của cậu đi chợ sớm trở về cất tiếng chào rất to từ đầu ngõ cũng là lúc bữa cỗ chính thức được bắt đầu. Con cháu từ các nơi xa: Quảng Nam, Đà Nẵng cho đến Quảng Bình lần lượt tìm về mảnh đất bên bờ giới tuyến. Ngoài 80 tuổi, cậu nở nụ cười thật tươi nhận mặt từng đứa. Mợ bảo, với cậu mợ đó là ngày vui nhất năm vì nhà cửa đông đủ con cháu nhất. Ngày tưởng nhớ về ngoại cũng là dịp để cậu biết thêm thông tin về con cháu, về những anh chị em của mình đang sinh sống nơi phương xa.
Quê ngoại nằm ở bên bờ sông Bến Hải, nơi có bến đò B từng đi vào lịch sử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ hào hùng trên miền đất thép Vĩnh Linh. Hòa bình, những hố bom được san phẳng, những đồi đất đỏ được phủ lên một màu xanh của cây trái. Mẹ tôi theo cha về bờ Nam sông Bến Hải, các dì cũng lần lượt theo chồng đến miền quê mới. Ông bà ngoại khuất núi. Cậu mợ neo lại nơi mảnh đất hương hỏa của ông bà, làm chốn đi về cho con cháu.
Mảnh vườn nhỏ của cậu luôn dành một phần đất để trồng chè xanh, vài gốc mít và bơ. Đất đai trù phú nên năm nào bơ, mít cũng lúc lỉu quả. Nhiều bận thương lái đặt mua nguyên cả vụ trái trên cây với giá cao, nhưng bao giờ họ cũng nhận từ cậu cái lắc đầu. Cậu luôn để dành những cây trái ngọt lành đó làm quà cho lũ cháu chắt mỗi dịp về thăm quê.
Ngày chưa có cây cầu vượt sông, mỗi dịp hè và tết, mẹ thường đưa chúng tôi đi đường bộ ngót ba chục cây số, thêm một chuyến đò ngang mới về đến quê ngoại. Hồi đó, mỗi lúc trở về, cậu đều chuẩn bị cho mẹ cả gánh quà quê, từ chè xanh, rau trái cho đến gói bánh bột lọc mợ vắt vội giữa trưa. Hôm nào mẹ về ngoại một mình vì chúng tôi bận học là y như cả ngày hôm đó chúng tôi vừa học vừa ngóng mẹ. Tan học, cả mấy anh em ngồi sẵn ngoài ngõ ngóng về phía cuối đường làng. Cho đến nhập nhoạng tối, thấy dáng mẹ tất tưởi trở về từ xa là chạy ào tới đón, hít hà mùi thơm của hoa trái còn tươi nguyên.
Những năm sau này, mẹ không còn thường xuyên về ngoại do tuổi tác, dù con sông lớn năm nào đã có chiếc cầu bắc ngang, không còn phải chòng chềnh đò ngang nơi cửa biển. Chúng tôi thường thay mẹ về thăm cậu mợ mỗi khi có dịp. Chuyến trở về nào, lúc ra đi cũng ăm ắp hàng quà cậu mợ gởi theo về. "Đây là bó chè cho O hãm nước, nắm tàu bạc hà cho O làm dưa muối… mang về đi con, không nặng đâu", cậu thường hay nói thế mỗi khi loay hoay chất lên xe máy của tôi bao nhiêu thứ từ mảnh vườn của mình. Bữa nào chúng tôi bận công tác, lâu không về thăm ngoại, cậu lại gói ghém hàng quà rồi bắt chuyến xe buýt thật sớm vào thăm. "Tui đi trong O" là câu nói ngắn mỗi lần thấy mợ băn khoăn, lo lắng khi cậu cặm cụi chặt sợi dây lạt buộc bó chè xanh thật chặt.
Chúng tôi lớn lên, đặt chân đến nhiều nơi trên dọc dài đất nước, thưởng thức nhiều món đặc sản vùng miền nhưng thú thật, chưa có thức quà nào mang lại hương vị giống quà quê ngoại. Những thức quà với ai đó có thể rất bình thường. Nhưng với chúng tôi, món quà được cậu mợ gói gắm bằng cả niềm yêu thương, vừa ăn vừa ngẫm ngợi. Thứ hương vị gắn liền với rơm rạ đồng quê, với tuổi thơ nghèo khó mà nặng nghĩa tình cứ ùa về, chen lấn cả khoảng không gian ồn ào, chật chội của phố thị. Tôi tin, nỗi nhớ ấy sẽ luôn thường trực trong ký ức mỗi người, chỉ cần được đánh thức, bởi kỷ niệm tuổi thơ mấy ai quên được. Quê ngoại thân thương.
Yên Thảo