"Quái vật" COVID-19 "tàn sát" Ấn Độ

Thứ ba, 27/04/2021 10:53

Theo thống kê sáng 26-4 của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt quá 17 triệu ca sau khi ghi nhận 352.991 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

Các gia đình gào khóc khi người thân của mình qua đời. Ảnh: AP

Đây là mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, đồng thời đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này tăng lên mốc cao mới. Nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và ô-xy. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng có thêm 2.812 ca tử vong do COVID-19, song giới chức y tế cho rằng số ca tử vong có thể còn cao hơn nữa. Hiện tổng số ca mắc tại Ấn Độ đã tăng lên 17,31 triệu ca, trong đó 195.123 ca tử vong.

Gia hạn lệnh phong tỏa thủ đô

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến tiếp tục xấu đi và khó lường, Ấn Độ đã quyết định gia hạn lệnh đóng thủ đô thêm một tuần nữa, kéo dài đến 5 giờ sáng 3-5 (theo giờ Ấn Độ). Trước đó, lệnh đóng cửa thủ đô có hiệu lực đến ngày 26-4.

Thủ đô New Delhi đã rơi vào tình trạng khủng hoảng gần hai tuần nay khi người dân phải chật vật tìm giường bệnh, bình ô-xy, thuốc men cũng như sự trợ giúp từ các quan chức chính phủ. Các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ô-xy y tế trầm trọng do nhu cầu vượt quá nguồn cung. Thủ hiến Arvind Kejriwal cho biết, tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 ở New Delhi ngày 25-4 ở mức 30,21%. Theo ông Arvind Kejriwal, tình hình ở thủ đô Delhi vẫn rất phức tạp, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 vẫn chưa dừng lại, việc gia hạn lệnh phong tỏa thủ đô là điều cần thiết và chính quyền sẽ tiếp tục tăng mức báo động.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tất cả người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũng như cảnh giác, thận trọng phòng dịch. Nước này cũng sẽ bổ sung thêm 551 máy tạo oxy trên cả nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt oxy tại các bệnh viện vốn khiến nhiều bệnh nhân tử vong trong những ngày qua. Thủ tướng Modi ra chỉ thị các thiết bị này phải được đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Người giàu tháo chạy

Trong bối cảnh Ấn Độ liên tiếp phá kỷ lục về số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày, giới siêu giàu nước này đã chi hàng chục nghìn USD để rời khỏi "cơn sóng thần" COVID-19.

Những người trên đã tìm cách rời khỏi Ấn Độ trước khi các chuyến bay đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngừng hoạt động kể từ ngày 25-4.

Các trang web so sánh giá cho thấy các chuyến bay thương mại một chiều từ Mumbai đến Dubai vào các ngày 23, 24-4 có giá tới 80.000 rupee (1.000 USD), cao hơn khoảng 10 lần so với mức thông thường. Vé máy bay cho chặng từ New Delhi đến Dubai có giá hơn 50.000 rupee, cao gấp 5 lần mức bình thường. Các hãng hàng không đã dừng bán vé từ ngày 25-4 - thời điểm lệnh tạm ngừng bay trong thời gian 10 ngày của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực.

Người phát ngôn của công ty dịch vụ bay Air Charter Service India trao đổi với AFP rằng nguồn doanh thu từ việc cho thuê máy bay phản lực tư nhân gần đây đã tăng đột biến. Người này cho biết: "Chúng tôi có 12 chuyến bay đến Dubai vào ngày 25-4 và tất cả các chuyến bay đều kín chỗ". Người phát ngôn của hãng Enthrall Aviation, một nhà cung cấp dịch vụ bay khác, cho biết: "Tôi đã nhận được gần 80 yêu cầu bay đến Dubai chỉ trong ngày hôm nay. Chúng tôi đã yêu cầu thêm máy bay từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chi phí để thuê một máy từ Mumbai đến Dubai với loại máy bay 13 chỗ là 38.000 USD và loại máy bay 6 chỗ là 31.000 USD".

Cũng đã có ít nhất 8 chuyến bay riêng từ Ấn Độ tới Anh trong ngày 24-4 do Anh cũng tuyên bố sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với những người đến từ Ấn Độ. Những chuyến bay dài 9 giờ đồng hồ tới Anh có giá 138.000 USD. Ghế trên các đường bay đến Mỹ vẫn có sẵn nhưng với giá cao hơn đáng kể, trong một số trường hợp gần như gấp đôi giá vé bình thường.

Hồi chuông cảnh tỉnh toàn thế giới

Thảm họa đang xảy ra ở Ấn Độ dường như là kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người lo ngại về đại dịch COVID-19: không có đủ giường bệnh chữa trị, không thể xét nghiệm, thiếu hụt trầm trọng thuốc men và ô-xy.

Với nguồn cung vaccine toàn cầu đang khan hiếm, các nhà lãnh đạo quốc tế cần phải nhận ra rằng, bất chấp mục tiêu sau cùng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sáng kiến COVAX là phân phối công bằng các mũi tiêm, đại dịch COVID-19 sẽ có lúc đòi hỏi một khoảng thời gian tập trung hơn "chữa cháy" cho những nơi đang thực sự cần hơn. Các quốc gia cần phải nhìn xa hơn rằng đại dịch vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự can thiệp. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nếu để tình trạng virus SARS-CoV-2 lây lan không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch.

Việc chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có những quan điểm sai lầm về COVID-19 dẫn đến hậu quả là Ấn Độ "vỡ trận" trước làn sóng COVID-19 thứ hai. Nhà chức trách Ấn Độ khi nhận định hồi tháng 3 rằng dịch bệnh đã đến "hồi kết" giữa bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn đang diễn ra. Sai lầm này không khác nhiều so với sai lầm của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Điều khác biệt ở đây là dịch Covid-19 tại Ấn Độ có nguy cơ gây tổn hại lớn cho khu vực và toàn cầu ở quy mô chưa từng có từ trước đến nay. Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh Ấn Độ được cho là cơ sở cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX phân phối tới quốc gia nghèo hơn giờ đây phải chuyển hướng để giải quyết nhu cầu trước mắt của Ấn Độ. Theo số liệu thống kê, trong tháng này, Ấn Độ chỉ xuất khẩu 1,2 triệu liều vaccine ra nước ngoài thay vì 64 triệu liều như cách đây 3 tháng.

Hỗ trợ khẩn cấp

Ngày 25-4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ "ngay lập tức" cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ. Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho hay, nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở "quan trọng" trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch COVID-19. Trước đó, chính phủ Anh cũng thông báo sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở để hỗ trợ Ấn Độ đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19. Theo Bộ Ngoại giao Anh, số thiết bị trên được lấy từ kho dự trữ còn dư của nước này và chuyến hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến New Delhi vào sáng 27-4.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ gửi ô-xy và viện trợ y tế tới Ấn Độ trong những ngày tới góp phần giúp quốc gia Nam Á này giải quyết cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị quân đội Đức xem xét khả năng cung cấp một cơ sở sản xuất ô-xy lưu động, cũng như hỗ trợ vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ mục đích khẩn cấp và cứu trợ tới Ấn Độ.

AN BÌNH

>> Ấn Độ nguy cấp với dịch COVID-19