Quận chúa Ngọc Diệp (7)

Chủ nhật, 25/05/2008 00:00

Xem lại kỳ trước:

Kỳ 6: Nỗi lòng người mẹ - Quận chúa Ngọc Diệp (6)

* K cui: "Tôi không cu danh tiếng"

(Cadn.com.vn) - Sự thật về thân thế của bà Đặng Hoàng Ánh (tức Phạm Ngọc Diệp) vẫn còn là sự bí ẩn đang chờ đợi lời giải đáp của các nhà nghiên cứu lịch sử. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hoàng Ánh về cuộc đời thăng trầm và kỳ lạ được viết trong tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động.

(NXB CAND, 2008).

P.V: Danh xưng Quận chúa của bà là như thế nào?

Bà Đặng Hoàng Ánh (Đ.H.A): Thật ra, danh xưng Quận chúa là do được “dựng” nên vì tôi và vua Bảo Đại cùng chung một ông nội, là anh em con chú bác. Cha tôi là ông Phạm Đăng Chất, sinh năm 1862, còn gọi là Trần Lệ Chất, nguyên gốc họ Nguyễn. Cha tôi có người em ruột là Phạm Đăng Lãm.

Khi bà Hoàng Thị Cúc, vợ của ông Lãm, vừa có thai thì bị vua Khải Định bắt cóc và loan tin vợ mình có thai rồi đem giấu kín bà Cúc cho đến khi sinh. Thím Hoàng Thị Cúc sinh ra Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại sau này - vị vua thứ 13 của triều Nguyễn và là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

Bảo Đại lên ngôi, bà Hoàng Thị Cúc được sắc phong là Thái hậu Từ Cung. Thực chất, Bảo Đại là con của chú thím tôi. Người ta đã “dựng” Bảo Đại thành vua, còn tôi trở thành Quận chúa. Ngày 1-10-1955, khi tôi đang học ở Trường Đại học Tổng hợp Paris (Pháp) thì cựu hoàng Bảo Đại đến thăm, nhắc đến mối quan hệ chị em thúc bá với tôi và gọi tôi là Quận chúa.

P.V: Tuổi thơ của bà đã trải qua những năm tháng đau thương khi mất cả cha lẫn mẹ?

Bà Đ.H.A: Năm 13 tuổi, tận mắt chứng kiến cảnh cha mẹ bị Tây bắt và bị sát hại, nhà tan cửa nát, tôi tưởng như gục ngã. Tôi trở nên bơ vơ, không họ hàng nội ngoại đón về nuôi, ngay cả anh ruột của mẹ tôi là quan Đốc phủ sứ và một người anh khác là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không mảy may quan tâm đến đứa cháu mồ côi. Lòng tôi thật sự day dứt trước sự thờ ơ của họ hàng. Đối với tôi, những ngày sống trong “vinh hoa phú quý” khi có đầy đủ gia đình và mẹ cha đã là ký ức xa mờ. May mắn lúc đó, tôi được anh Hai Thiện (tức đồng chí Phạm Hùng - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ CA; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và anh Hai Xô (tức đồng chí Phạm Văn Xô - thường gọi thân mật là anh “Hai Xe ngựa” vì hoạt động công khai bằng nghề đánh xe ngựa - nguyên Thường vụ Trung ương cục miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương) cưu mang, bảo bọc và đưa vào sống ở Đoàn 307 của Liên Hợp Quốc. Ban ngày tôi đi học, ban đêm đi bán báo, bánh mì, đậu phộng rang để dễ rải truyền đơn, ném lựu đạn khi có cơ hội. 

Bà Đặng Hoàng Ánh bên những trang nhật ký.

P.V: Chiến công lớn nhất của bà là trận đánh nào?

Bà Đ.H.A: Đó là trận nổ bom làm sập Tòa Đại sứ Mỹ ngày 29-5-1965. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhờ có đồng đội phối hợp và hỗ trợ, tôi đóng giả làm ca sĩ Thu Nga, ban đêm vào phòng trà ca hát để nắm thông tin, thông qua ông Hoàng Đức Nhã (tức thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) để tiếp cận Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa - và thông qua ông Cao Văn Viên để tiếp cận chỉ huy của đối phương, Caboslog Taylos. Trận đánh này gây chấn động lớn, làm nhiều sĩ quan, nhân viên ngoại giao Mỹ chết và bị thương. Do bị lực lượng cảnh sát và mật thám địch truy nã gắt gao, tôi đã phải trốn vào chùa làm ni sư nên mới qua được các vòng kiểm soát gắt gao; nhiều tháng sau, tôi mới liên lạc trở lại được với tổ chức.

P.V: Năm 1969, bà đã từng tham gia ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu?

Bà Đ.H.A: Rất tiếc, tôi đã không hoàn thành được nhiệm vụ này. Tôi phải tìm cách tiếp cận Sjcti - viên sĩ quan Mỹ đang phục vụ tại Đà Lạt. Hắn đã đôi ba lần chọc ghẹo tôi từ trước, tôi hứa sẽ gặp hắn tại khách sạn Đà Lạt với điều kiện hắn phải cho tôi vào xem lễ duyệt binh có Tổng thống đến dự. Trên sân lúc đó có 500 sĩ quan đứng chào cờ duyệt binh. Bên cạnh tôi có 2 lính Mỹ, trước mặt tôi là hàng ghế Tổng thống, các tướng lĩnh và sĩ quan, phía sau là quân cảnh vệ dày đặc. Tôi bị lọt thỏm giữa thiên la địa võng nên không thể thực hiện việc ám sát. Sau vụ việc này, tôi tiếp tục tham gia tấn công rạp chiếu bóng Ngọc Lan.

Lính cảm tử
Đời cảm tử quân biệt động
Nay đây mai đó không nhất định nơi
Chiến sĩ vô danh không nhà
Cảm tử quân ra đi không hẹn ngày về
Dù khó khăn vui đón nhận
Bước đi lặng lẽ trong cơn mưa lũ
Âm thầm giá buốt trong đêm
Tai nghe lá thông reo như khúc nhạc
Vui bước quân hành cô lữ
Đơn tiếng vui buồn chỉ ta với ta.
Phạm Ngọc Diệp (19-2-1962)

P.V: Cơ duyên nào dẫn đến việc bà công bố cuốn hồi ký “Ký sự cuộc đời” của mình?

Bà Đ.H.A: Cuốn hồi ký “Ký sự cuộc đời” của tôi chỉ là một cuốn sổ tư liệu được tôi viết từ năm 1959-1975. Năm 2007, tôi tình cờ gặp gỡ nhà thơ Đặng Vương Hưng và anh Hưng đã giúp tôi hoàn chỉnh thành cuốn tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động”. Tôi là người không rành rẽ văn chương, càng không có khả năng dùng câu chữ và mang chuyện đời của mình ra để kiếm tiền, lại càng không cầu danh. Nhiều người hỏi tôi rằng, khi công bố cuốn sách này, tôi mong muốn điều gì. Tôi đã “gần đất xa trời” rồi thì còn mong muốn gì nữa cho mình. Chân tay và cả người tôi giờ đây vẫn còn đầy những sẹo, đầu tôi vẫn còn 6 mảnh đạn 3 li găm vào. Bao nhiêu đồng đội của tôi cũng đã ngã xuống. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay hiểu thế hệ chúng tôi đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc như thế nào.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Tú Phương (thực hiện)