Quân đội - “Kẻ nắm giữ” chìa khóa tương lai Ai Cập
(Cadn.com.vn) - Thẩm quyền của quân đội vốn là nền tảng lịch sử Ai Cập hiện đại. Nhưng giờ đây liệu quân đội có thể mang lại một nền dân chủ thực sự trong một đất nước chia rẽ sâu sắc này?
Liệu cuộc lật đổ Tổng thống được bầu dân chủ Mohamed Morsi ở Ai Cập có phải là đảo chính? Câu trả lời đã quá rõ ràng, song nó giờ không còn quan trọng bằng những lo lắng cho tương lai ở đất nước Pharaong này.
Tất nhiên, cũng có lập luận phản đối gọi đây là một cuộc đảo chính. Một cuộc đảo chính thường được hiểu là một hành động thay thế quyền lực một chế độ dân sự của quân đội. Nếu những gì đã xảy ra ở Ai Cập được coi là một cuộc đảo chính, thì dĩ nhiên, Ai Cập đã thật sự có một chính quyền dân sự, có đầy đủ hiến pháp và quân đội phải nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền. Và khẳng định này trong bối cảnh hiện nay cho thấy rõ được sức mạnh của quân đội Ai Cập là như thế nào.
Các chính trị gia Ai Cập, trên thực tế, kể từ năm 1952, thực sự bị quân đội nắm thóp. Khi đám đông xuống đường năm 2011, quân đội Ai Cập quyết định hy sinh một trong những con át chủ bài của mình - Tổng thống nắm quyền lâu năm Hosni Mubarak. Cũng giống như tất cả các nhà lãnh đạo Ai Cập sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952, ông Mubarak lên nắm quyền trên nền tảng quân sự. Nhưng đã đến lúc, sự hiện diện tiếp tục của ông được coi là một mối đe dọa cho sự ổn định của nhà nước Ai Cập, do áp lực biểu tình.
|
Bất chấp trấn áp của quân đội, những người ủng hộ ông Morsi xuống đường biểu tình đòi phục chức cho ông. Ảnh: CNN |
Ông Mubarak ra đi, song quyền lực quân đội không hề suy giảm. Quân đội thực hiện vai trò nắm quyền trực tiếp trong hơn một năm kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ cho đến khi ông Morsi được bầu. Nhưng trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO), quân đội dường như cảm thấy nóng mặt.
Trong suốt lịch sử hiện đại của Ai Cập, quân đội luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận, và nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp quân sự 2011-2012. Ngay khi ở đỉnh cao của công cuộc chống quân đội, Tổ chức điều tra Gallup ghi nhận, niềm tin đối với đội quân này vẫn ở mức hơn 85%, và tại một số thời điểm vượt quá 90%. Hiện, con số này có thể là ít hơn khi những người ủng hộ ông Morsi cảm thấy oán giận hành động đảo chính- nhưng nó vẫn có khả năng là hơn 80%. Bởi lẽ, quân đội là một tổ chức trong đó hầu hết các gia đình Ai Cập đều có mối liên quan, do nghĩa vụ quân sự, và cả những câu chuyện lịch sử trong các trường Ai Cập. Điều này chưa bao giờ thay đổi.
Nhưng trong thời gian qua, Tổng thống Morsi và MBO phạm sai lầm khi cố gắng thực hiện một số chính sách hạn chế quyền lực quân đội. Thật vậy, các nhà phê bình cho rằng, thay vì cải cách nhà nước, ông Morsi lại lún sâu vào nỗ lực làm lợi cho đảng phái. Một trong những tính toán sai lầm chiến lược nhất của ông Morsi là muốn kiểm soát quân đội. Tổng thống bị lật đổ Morsi đáng lẽ không nên “vuốt râu hùm” khi loại bỏ Thống chế Tantawi, bổ nhiệm tướng Abdel-Fattah El-Sisi làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF).
Trong khi đó, tham nhũng vẫn còn hoành hành ở Ai Cập bởi ông Morsi chưa có thời gian để giải quyết vấn nạn này. Bộ Nội vụ vẫn chưa cải cách. Quấy rối tình dục và bạo lực vẫn lan tràn. Liệu chính phủ mới, đang được lắp ráp hiện nay, có thể giải những bài toán này? Ông Morsi thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng ngày 25-1-2011 và mất tính hợp pháp phổ biến với người dân Ai Cập. Chính quyền mới của Ai Cập có cơ hội để học hỏi từ những sai lầm và có hành động phù hợp. Quân đội sẽ là trợ thủ đắc lực.
Nhưng Ai Cập đang hướng đến một tương lai vô định và xung đột. Trong ngày 8-7, quân đội, cảnh sát Ai Cập nổ súng vào người biểu tình ủng hộ ông Morsi bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại thủ đô Cairo khiến ít nhất 42 người chết và 322 người bị thương. Việc phe chống đối, ủng hộ ông Morsi biểu tình trên khắp Ai Cập, làm dấy lên những lo ngại về khả năng bùng phát bạo động, có thể nhấn chìm Ai Cập vào cuộc nội chiến giống như Syria, đúng như nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khả Anh