Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo

Thứ năm, 25/09/2014 10:16

(Cadn.com.vn) - Trong 3 ngày từ 24 đến 26-9, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Ủy ban kinh tế - xã hội và Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Tổ chức hành động vì môi trường và sự phát triển tại Việt Nam (Enda Việt Nam), Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và UBND TP Quy Nhơn đã phối hợp tổ chức khai mạc Hội thảo vùng về "Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương".

Ngày đầu tiên của Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận về các nội dung: tổng quan và tình hình thực hiện dự án "Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương" do ESCAP đang triển khai. Theo đó, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh đang diễn ra ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đến sự gia tăng số lượng và loại rác thải ở các đô thị.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý rác thải đã trở thành một trong những dịch vụ đô thị tốn kém nhất ở các nước đang phát triển, chi phí xử lý rác thải chiếm 20 - 50% chi phí của các chính quyền địa phương trong ngân sách của mình mà không thu được lợi nhuận, hoặc giá trị gì từ quá trình xử lý này.

Để hỗ trợ các đô thị ở Châu Á - Thái Bình Dương giải quyết nạn rác thải, ESCAP phối hợp với Waste Concern, Bangladesh đang thực hiện dự án "Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ".

Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ các chính quyền địa phương trong việc triển khai các giải pháp quản lý rác thải bền vững bằng cách thiết lập các Trung tâm Hoàn nguyên Tổng hợp (IRRCs), là hệ thống phi tập trung, dựa vào cộng đồng để chuyển rác thành tài nguyên thông qua sản xuất phân vi sinh, tái chế, phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác chuyển đến bãi chôn lấp và bãi rác lộ thiên. Việc vận hành hệ thống các IRRCs phụ thuộc phần lớn vào việc phân loại rác tại nguồn để tách riêng các thành phần hữu cơ và vô cơ; việc này có thể biến đến 80 - 90% rác thành tài nguyên.

Đặc biệt, từ năm 2007, ESCAP phối hợp với Waste Concern đã triển khai mô hình Trung tâm Hoàn nguyên Tổng hợp (IRRC) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương  với nguyên tắc "3s" là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Các dự án thí điểm với công suất xử lý khoảng 2 - 10 tấn/ngày đã được thực hiện ở các đô thị các nước Bangladesh, Cambodia, Sri Lanka, Việt Nam và trong tương lai gần sẽ thực hiện ở Pakistan.

Quang cảnh Hội thảo vùng "Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương".

Tại nước ta, năm 2007, TP Quy Nhơn là thành phố đầu tiên triển khai dự án "Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo ở các thành phố nhỏ" do ESCAP phối hợp với Eda Việt Nam hỗ trợ. Theo đó, thành phố xây dựng nhà máy sản xuất phân hữu cơ compost, thu gom rác thải gần 700 hộ dân và 2 chợ, phân sản xuất ra được tiêu thụ 100%. Từ tháng 1-2013 đến nay, nhà máy hoạt động độc lập về mặt tài chính. Cuối năm 2010, dự án này được triển khai phân loại rác tại nguồn ở xã bán đảo Nhơn Lý, kết quả có từ 40 - 50% số hộ dân thực hiện tốt việc phân loại rác.

Năm 2012, TP Quy Nhơn tiếp tục triển khai dự án này với việc phân loại rác tại nguồn tại các chợ trên địa bàn thành phố, trong đó chợ Đầm có 70% các chủ quầy trong số 460 quầy thực hiện tốt chương trình này. Đến đầu năm 2013, UBBD TP Quy Nhơn đã triển khai phân loại rác tại nguồn đối với 395 đối tượng phi hộ gia đình gồm: trường học, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, chợ và các doanh nghiệp dưới sự quản lý của Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn.

Đến tháng 5-2013, có khoảng 65% các đối tượng phi hộ gia đình thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, nhưng đến cuối năm 2013, tỷ lệ này tăng lên 82%. Mỗi ngày có khoảng 30 tấn rác hữu cơ đã được phân loại từ 216 đơn vị phi hộ gia đình được chuyển đến Nhà máy sản xuất phân Long Mỹ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tại các TP đã và đang được triển khai, Hội thảo Khu vực lần này sẽ tập hợp các đối tác và các bên liên quan của dự án để thảo luận các lợi ích, khó khăn và cơ hội liên quan đến mô hình "từ rác thải đến tài nguyên" do dự án khởi xướng. Hội thảo sẽ là cơ hội cho đại biểu xác định một mô hình chung và học hỏi lẫn nhau.

Kết quả đầu ra của Hội thảo sẽ là những kiến nghị cho các nhà lập chính sách trong vấn đề quản lý rác thải. Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để học tập kinh nghiệm từ TP Quy Nhơn, là một trong các đô thị đầu tiên nhân rộng mô hình IRRC của Bangladesh trong năm 2007, và đã tích cực triển khai phương thức "từ rác thải đến tài nguyên", trong đó có đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn với một số bước tiến quan trọng cho đến nay.

Các đại biểu còn thảo luận nội dung về thay đổi hành vi: giáo dục, tác động chính sách và động lực trong việc huy động cộng đồng trong quản lý chất thải rắn Dự án "Quản lý chất thải rắn bền vững và vì người nghèo tại các đô thị vừa và nhỏ ở Châu Á - Thái Bình Dương". Trong đó, áp dụng phương pháp "biến rác thải thành tài nguyên" và "3T: tức Tiết giảm, tái sử dụng và tái chế", yếu tố then chốt là việc phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả.

Kiều Oanh