Quận Sơn Trà khai thác thế mạnh về phát triển thủy sản

Thứ sáu, 26/04/2019 10:48

Cơ cấu tàu thuyền chuyển dịch theo hướng vươn khơi

Năm 2018, Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng) có 1.271 tàu thuyền các loại với tổng công suất 287.935CV, tăng 33 tàu, tổng công suất tăng hơn 60.000CV so với năm 2017, trong đó tàu từ 90CV trở lên là 487 chiếc. Đặc biệt, tàu trên 400CV tăng từ 334 chiếc lên 411 chiếc, tăng lượng tàu khai thác xa bờ, giảm số lượng tàu khai thác vùng bờ và vùng lộng. Đội tàu đánh bắt xa bờ liên tục tăng trong năm nhờ tác động của chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ của Nhà nước nói chung và của UBND TP Đà Nẵng nói riêng. Đây là sự chuyển dịch có ý nghĩa tích cực, quan trọng đối với Q. Sơn Trà  về phát triển khai thác thủy sản bền vững theo hướng vươn khơi, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Số lượng tàu có công suất lớn khai thác vùng khơi tập trung ở các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang... đã góp phần tăng sản lượng khai thác chung của quận năm 2018 đạt gần 26.000 tấn, tăng gần 5,6% so với cùng kỳ, giá trị thực hiện ước 997 tỷ đồng, vượt kế hoạch thành phố và quận giao.

Tàu cá ngư dân Sơn Trà bắt đầu mùa khai thác mới.

Để nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác và tăng thu nhập cho người lao động, nhiều tàu đã tận dụng thời gian khai thác các vụ mùa trong năm, tăng thời gian bám biển bằng cách kiêm nghề như lưới vây, lưới cản, lưới chuồn kiêm thêm nghề mành bò, câu cá ngừ đại dương... Việc phát triển, chuyển đổi sang các nghề khai thác chọn lọc, có hiệu quả tại vùng lộng và vùng khơi xu hướng chuyển sang nghề lưới vây, rê 3 lớp, lưới cản khai thác đạt hiệu quả hơn. Ngư dân Huỳnh Văn Sáng (P. Mân Thái) có truyền thống 3 đời làm nghề biển, hiện nay có 2 tàu cá, trong đó có 1 tàu trên 90CV khai thác xa bờ, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm đối với tàu xa bờ, tạo công ăn việc làm cho 16 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 7, 8 triệu đồng/người/tháng.   Ông mong muốn chính quyền địa phương kêu gọi các nhà đầu tư đẩy mạnh thu mua thủy sản và Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như các chương trình khuyến ngư để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần giữ gìn biển đảo.

Nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân

Ông Trần Văn Thành- Phó trưởng phòng Kinh tế Q. Sơn Trà cho biết: Hàng năm, Phòng phối hợp Đồn Biên phòng Sơn Trà, Cơ quan quân sự quận, Chi cục Thủy sản và UBND các phường triển khai kiểm tra thực tế số tàu cá có công suất từ 20CV trở lên làm cơ sở tham mưu cho UBND quận trong công tác hỗ trợ các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, đồng thời huy động tàu thuyền phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhờ đó ý thức chấp hành pháp luật về đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, thông tin liên lạc của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Hoạt động của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển xa bờ đã phát huy được tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất như: hình thành  nguồn quỹ sử dụng cho hội viên mượn vốn để sửa chữa phương tiện, mua máy móc, sắm ngư lưới cụ hoặc để thăm hỏi, hỗ trợ, động viên lao động, hỗ trợ nhiên liệu trong việc lai dắt phương tiện trong tổ khi gặp nạn trên biển.

Theo Phó Chủ tịch UBND P. Thọ Quang Lê Tấn Thanh, để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, UBND phường đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tàu cá xa bờ như: Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Quyết định 47/QĐ-UBND, quyết định 1242/QĐ-UBND... tuyên truyền giúp ngư dân nhận thức được phát triển khai thác vươn khơi là hướng đi đúng đắn, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo mọi điều kiện để ngư dân được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển thủy sản. Nhờ đó, năm 2018 tổng số phương tiện trên địa bàn phường đã tăng 34 chiếc, tăng 18.117CV so với năm 2017, giá trị sản xuất thủy sản  thực hiện 297 tỷ đồng, tăng 6,82%, sản lượng khai thác tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2018, P. Thọ Quang đã vận động thành lập mới 14 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, trong đó có 13 tổ xa bờ và 1 tổ gần bờ, nâng tổng số tổ đoàn kết hiện nay lên 29 tổ.

Ông Hồ Tấn Phước- Phó Chủ tịch UBND P. Nại Hiên Đông chia sẻ: Năm 2018, ngư dân trong phường đã đóng mới 27 tàu cá theo quyết định 47/QĐ-UBND của UBND TP, nâng cấp, cải hoán 31 tàu có công suất 400CV trở lên. Tuy nhiên khó khăn là tàu cá phát sinh không có đăng ký trên địa bàn hàng năm còn nhiều, có năm phát sinh gần 80 chiếc, chủ yếu tàu cá có công suất từ 18CV đến 22CV để hoạt động nghề lặn chíp chíp, mà theo quy định thì các loại tàu này thì không được đăng ký, đăng kiểm nhưng vì lợi nhuận kinh tế cao nên ngư dân vẫn cố tình mua về hoạt động. Đây là việc mua bán tự phát của ngư dân nên rất khó quản lý. Qua khảo sát, năm 2018 tại P. Nại Hiên Đông có 41 tàu cá phát sinh không đăng ký, UBND phường đã báo cáo UBND quận và đưa vào danh sánh quản lý riêng, đồng thời kiến nghị  với Trạm Kiểm soát biên phòng tăng cường kiểm soát, không cho hoạt động khai thác hải sản đối với tàu cá không có đăng ký và tiếp tục vận động ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán phương tiện có công suất nhỏ lên công suất lớn, đủ sức vươn khơi và đánh bắt dài ngày trên biển.

MINH HẰNG