Quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ
Cùng với việc quan tâm tuyên truyền, động viên, tổ chức tuyển chọn và giao nhận công dân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, TP Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an (gọi tắt là quân nhân xuất ngũ).
Đà Nẵng đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ dựa trên Nghị định số 61/ 2015/NĐ-CP và Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Các quân nhân xuất ngũ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, đặc biệt là nghề lái ô-tô hạng B2 và C với mức chi phí từ 14,5 triệu đến 16,5 triệu đồng/người. Từ năm 2021 đến 2024, đã có 1.640 quân nhân xuất ngũ được đào tạo nghề lái ô-tô.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều chương trình nhằm hỗ trợ quân nhân xuất ngũ như các buổi gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo quận, huyện; tổ chức Ngày hội việc làm cũng như các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo cơ hội kết nối với doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng. Đơn cử tại Ngày hội việc làm do Thành Đoàn phối hợp với Sở LĐTB&XH, Hội Doanh nhân trẻ và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức vào tháng 7-2024. Sự kiện này đã tạo điều kiện kết nối trực tiếp cho hàng nghìn lao động là sinh viên, quân nhân xuất ngũ với 128 đơn vị và doanh nghiệp hàng đầu, cung cấp tổng cộng 7.437 vị trí việc làm đa dạng trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, du lịch, công nghệ, sản xuất và nhiều ngành nghề khác.
Nguyễn Trung Dũng (2003, quận Ngũ Hành Sơn) tham gia ngày hội việc làm và nhanh chóng tìm thấy công việc phù hợp. Dũng cho biết, vị trí này không yêu cầu bằng cấp, làm việc theo ca và có thu nhập ổn định, đáp ứng được mong muốn của bản thân. Tương tự, Trần Ngọc Thanh (2002, quận Hải Châu) cũng thành công ứng tuyển vào vị trí công nhân vận hành máy tại một công ty may mặc. Đến nay, Thanh vẫn gắn bó với công việc này. Thanh chia sẻ rằng, Ngày hội việc làm do các cấp tổ chức là cơ hội tốt cho quân nhân xuất ngũ, sinh viên mới ra trường và người lao động nói chung. Tùy theo năng lực, trình độ và sở thích cá nhân, người tham gia sẽ có thể tìm kiếm công việc phù hợp.
Ngoài tổ chức các Ngày hội việc làm, theo Sở LĐTB&XH, thời gian qua vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần tại 3 địa điểm (số 278 đường Âu Cơ, số 657 đường Trường Chinh và số 19 đường Phan Châu Trinh), tổ chức các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh lân cận để kết nối giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Kết quả chỉ tính riêng trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm định kỳ với sự tham gia bình quân hơn 100 doanh nghiệp/phiên, kết nối và giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, trong đó có 148 quân nhân xuất ngũ.
Trong đợt ra quân năm 2025, toàn Đà Nẵng có hơn 1.300 thanh niên xuất ngũ, riêng quận Thanh Khê có hơn 220 thanh niên. Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thành Tiến cho hay, địa phương luôn quan tâm, đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các ngành giáo dục- đào tạo, LĐ-TB và XH, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tạo mọi điều kiện chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; đồng thời thường xuyên làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ quân nhân xuất ngũ vẫn gặp không ít khó khăn. Công tác tuyên truyền mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đủ sâu rộng để tất cả quân nhân xuất ngũ có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về các chính sách hỗ trợ. Hơn nữa, số lượng quân nhân tham gia ngày hội việc làm còn hạn chế, phản ánh nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề và tìm kiếm việc làm.
Một thực trạng đáng chú ý là phần lớn quân nhân xuất ngũ lựa chọn học nghề lái ô-tô, chiếm tỷ lệ 74,29%. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong ngành nghề đào tạo, gây khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm bền vững. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nghề lái ô-tô hạng B2, C không còn là đào tạo trình độ sơ cấp. Do đó, các quân nhân xuất ngũ năm 2025 sẽ không còn được hỗ trợ học nghề lái ô-tô hạng B2, hạng C.
Vừa qua, tại buổi gặp mặt quân nhân xuất ngũ là đảng viên trên địa bàn từ năm 2019 - 2024 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, các đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng là thời hạn sử dụng của thẻ học nghề chỉ có một năm, gây khó khăn cho những người chưa kịp đăng ký học đúng thời hạn. Nhiều người vì điều kiện cá nhân hoặc chưa tìm được cơ sở đào tạo phù hợp mà lỡ mất cơ hội học nghề. Nếu có thể gia hạn hoặc điều chỉnh linh hoạt hơn về thời gian sử dụng, chắc chắn sẽ giúp nhiều người tận dụng tốt hơn chính sách này.
Trước những khó khăn này, Đà Nẵng có nhiều giải pháp thiết thực như: mở rộng các ngành nghề đào tạo trên nhiều lĩnh vực khác. Cụ thể, Sở LĐTB&XH TP Đà Nẵng cho biết đang xây dựng danh mục 39 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đa dạng hóa các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ ô-tô, công nghệ thông tin và nông nghiệp, nhằm tạo cơ hội học nghề đa dạng hơn cho quân nhân xuất ngũ. Đồng thời, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong khu công nghệ cao, khu công nghiệp để ưu tiên tuyển dụng quân nhân xuất ngũ vào các vị trí phù hợp. Một trong những hướng đi khác là đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ có cơ hội làm việc tại các thị trường lao động tiềm năng như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Với những giải pháp thiết thực và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện cơ chế hỗ trợ quân nhân xuất ngũ, giúp họ có một hành trình suôn sẻ sau khi hoàn thành trách nhiệm vinh quang với Tổ quốc.
M.VINH