Quảng Nam: Cải tổ toàn diện bộ máy giữ rừng
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 2468 tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng, xuất phát từ thực tế tổ chức bộ máy của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thời gian qua còn cồng kềnh, nhiều mô hình, nhiều đầu mối trực thuộc.
Đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng nhằm nâng cao năng lực giữ rừng của từng địa phương. |
Việc sáp nhập còn do chức năng quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng giữa cơ quan hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất gần như trùng lặp lẫn nhau, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” trong trường hợp xảy ra phá rừng.
Chuyển giao địa bàn, gia tăng trách nhiệm
Theo báo cáo điều chỉnh, sẽ chuyển giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi trực thuộc UBND H. Phước Sơn, Nam Sông Bung thuộc H. Nam Giang và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh trực thuộc UBND H. Bắc Trà My. Đồng thời chuyển giao 3 ban quản lý rừng đặc dụng gồm Sông Thanh, Sao La, Voi và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam về trực thuộc Sở NN&PTNT. Đồng thời, giải thể 5 Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn và Đắk Mi; giải thể 3 Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, A Vương, Sông Kôn. Như vậy, năm 2019, Quảng Nam chuyển giao 6 ban quản lý rừng phòng hộ (trừ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam) và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh từ thuộc Chi cục Kiểm lâm sang trực thuộc UBND huyện.
Theo đề án được duyệt, từ nay đến năm 2020, sẽ giải thể 16 trạm kiểm lâm, trạm kiểm lâm địa bàn, gồm: Tam Dân, Tiên Phước, Tiên Hiệp, Thái Xuân (Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam); Trung Phước, Duy Xuyên (Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam); An Điềm, Điện Bàn, Hội An, Cù Lao Chàm (Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam); Sông Trà, Phú Bình (Phước Sơn - Hiệp Đức); Trà Dương, Sông Tranh (Bắc Trà My); Nước Xa (Nam Trà My); Tây Giang (Đông Giang - Tây Giang) và 1 Trạm Kiểm lâm H. Núi Thành.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc đưa các ban quản lý rừng về trực thuộc UBND huyện nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn; nâng cao năng lực tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng; đồng thời giải quyết được những vấn đề trước mắt về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Giữ rừng “chuyên nghiệp” hơn
Trước đây, việc báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường chỉ được tổng hợp vào dịp cuối năm dưới hình thức báo cáo từ cơ sở lên theo các đơn vị quản lý hành chính (cấp xã, huyện, tỉnh). Do vậy, kết quả báo cáo thường bị trễ, không đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu, nhất là thiếu phần dữ liệu bản đồ cập nhật hiện trạng rừng. Từ nguồn hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam vừa được trang bị 225 máy tính bảng, với tổng trị giá 1,6 tỷ đồng.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, với đặc thù thực hiện quản lý diện tích rừng trên địa bàn liên huyện rộng lớn, có địa hình phức tạp trong khi số biên chế cán bộ của đơn vị hạn chế nên công tác tổ chức tuần tra, nắm bắt thông tin về diễn biến rừng trước đây rất khó khăn, phải mất nhiều thời gian để thu thập và xử lý số liệu. Việc trang bị máy tính bảng cho Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã giúp nâng cao hiệu quả công tác, chủ động nắm bắt biến động về trồng rừng, khai thác rừng hay cháy rừng trong phạm vi lâm phận được giao quản lý. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực giám sát rừng. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm sẽ bổ sung nâng cấp phần mềm giám sát rừng bằng thiết bị di động qua vệ tinh được chuyển giao từ Tổng cục Lâm nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam sẽ khảo sát gắn chíp báo động tiếng động cơ máy cưa truyền về thiết bị di động tại một số khu vực rừng quý hiếm, xung yếu; trang bị ít nhất 2 thiết bị bay không người lái hiện đại để quan sát rừng từ trên không theo định kỳ hoặc đột xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Lê Minh Hưng cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và bảo vệ rừng là xu thế tất yếu hiện nay. Đây sẽ là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ kiểm lâm. Từ đó góp phần xây dựng lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
ĐỒNG DAO
Chính quyền địa phương không thể vô can khi rừng bị xâm hại Có một điểm chung của các vụ phá rừng thời gian vừa qua đó là khi được phát hiện thì chính quyền địa phương đều tỏ ra… bất ngờ. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm thì cho rằng địa bàn rộng, nhân sự ít, khó kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử như cuối tháng 7-2019 vừa qua, PV nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc có nhiều đối tượng lên rừng tự nhiên đầu nguồn sông Ví (thôn 1, xã Trà Kót, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) triệt hạ nhiều cây gỗ, sau đó, xẻ phách rồi dùng trâu vận chuyển ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ. Tiếp nhận thông tin, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu. Từ thực tế ghi nhận tại hiện trường, khu vực rừng bị “lâm tặc” tàn phá rộng khoảng 2ha. Hàng chục phách gỗ bị cưa hạ nằm ngổn ngang trong đó có cả những thân cây cổ thụ hàng chục năm tuổi. Trước thực tế PV ghi nhận, ông Huỳnh Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho rằng số gỗ bị chặt hạ là do dân tự ý cưa xẻ về làm nhà, tuyệt đối không có chuyện cưa gỗ kinh doanh thương mại. Trong khi đó, ông Lê Văn Trường - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My lại cho rằng: “Việc chính quyền xã Trà Kót nói người dân chặt gỗ về làm nhà là không đúng, để xảy ra phá rừng xảy ra là do quản lý nhà nước lỏng lẻo. Diện tích rừng tự nhiên trên đã giao cho địa phương quản lý nên địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ”(?). Cũng tại H. Bắc Trà My, trong tháng 9 vừa qua khi nhận được tin báo của người dân xã Trà Nú phản ánh việc phá rừng, PV tiếp tục lên đường ghi nhận thực tế. Tại đây, tương tự như cánh rừng tại xã Trà Kót, hàng chục cây cổ thụ nằm ngổn ngang la liệt. Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm thì Hạt trưởng phụ trách Hạt kiểm lâm Bắc Trà My lại cho rằng đây là địa phận quản lý của Lâm trường cao su Quảng Nam, sẽ cho kiểm tra lại (?). Từ các sự việc trên có thể thấy rằng điểm chung của các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua ngoài hành vi coi thường pháp luật của lâm tặc thì có nguyên nhân rất lớn từ sự chồng chéo địa bàn quản lý, trách nhiệm quản lý mà cụ thể là trách nhiệm của kiểm lâm phụ trách địa bàn và chính quyền địa phương. Đây cũng chính là nguyên nhân UBND tỉnh Quảng Nam quyết tâm tái cơ cấu ngành kiểm lâm, ra đời Đề án tổ chức lại Chi cục kiểm lâm Quảng Nam và các ban quản lý rừng, được chính thức triển khai trong năm 2019. Đ.D |