Quảng Nam, Đà Nẵng và TT- Huế: 10 năm liên kết du lịch
(Cadn.com.vn) - Qua 10 năm (2007 - 2016) triển khai thực hiện, các hoạt động liên kết quảng bá du lịch "Ba địa phương - một điểm đến" của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và TT- Huế đã phát huy hiệu quả, ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, góp phần phát triển du lịch khu vực vùng duyên hải miền Trung. Thông qua các hoạt động liên kết phát triển du lịch, ba địa phương đã tổ chức xúc tiến, quảng bá tại các thị trường quốc tế: Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. Các tỉnh đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, chương trình tour, các điểm đến và sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ở các thị trường ít có hướng dẫn viên du lịch các thứ tiếng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới từ miền Trung đi các vùng và quốc gia khác để mở rộng quảng bá các sản phẩm du lịch của từng địa phương, góp phần thu hút lượng khách đến miền Trung tăng trưởng vượt trội trong những năm gần đây. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận: Trong du lịch, ranh giới là một khái niệm mong manh. Việc hướng tới nét riêng sẽ tạo nên sự quyến rũ chung cho vùng. Những sản phẩm mới sẽ được hỗ trợ tích cực từ các điều kiện hạ tầng như khai thác đường bay mới, tổ chức du lịch đường biển, đường sông riêng cho vùng... Do đó, sự liên kết cần có những hoạt động cụ thể và đi vào chiều sâu, công bố những sự kiện, sản phẩm du lịch mới tránh tình trạng giống nhau.
Du khách tham quan làng Cơ Tu ở H.Đông Giang, Quảng Nam. |
Cùng với nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ của Dự án EU, ba tỉnh đã lấy ý kiến và xây dựng ba nhóm sản phẩm du lịch chung của ba địa phương gồm: con đường di sản, nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng... Tổ chức luân phiên hằng năm ba sự kiện du lịch lớn đó là: Festival Di sản Huế; Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình Di sản" và Liên hoan pháo hoa quốc tế Đà Nẵng với nhiều sản phẩm du lịch - dịch vụ kèm theo. Những sản phẩm này đặc biệt hướng đến khai thác đặc trưng, tạo sự khác biệt cho từng điểm đến ở mỗi địa phương. Tại Quảng Nam, cùng với tiềm năng và việc sở hữu cùng lúc nhiều Di sản Văn hóa thế giới như Hội An và Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm cùng các bờ biển, làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa và các giá trị văn hóa đặc trưng miền núi đã góp phần tạo sự liên kết phát triển, khai thác hiệu quả nhiều tiềm năng du lịch...
Trong 10 năm qua, việc xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước của ba địa phương đã có nhiều chương trình famtrip kết hợp hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và ký kết hợp tác phát triển du lịch với các điểm đến trong nước. Đồng thời, đón các đoàn Presstrip đến khảo sát sản phẩm du lịch nhằm tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và ấn phẩm quảng bá du lịch ba địa phương... Trong đó, phải kể đến chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch hằng năm với chủ đề "TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam - Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới" đến thị trường trong nước và quốc tế đã thu hút nhiều hãng lữ hành lớn đến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.
Chặng đường liên kết 10 năm mang lại những kết quả tích cực, đặc biệt là hoạt động liên kết trong quảng bá, xúc tiến và đào tạo nguồn nhân lực, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương với các sản phẩm đa dạng và chất lượng.
Thảo Nguyên