Quảng Nam “đau đầu” bởi dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập trang trại quy mô lớn

Thứ tư, 23/10/2019 18:00

Sau hơn 5 tháng kể từ thời điểm xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại Quảng Nam, đến nay, dịch tả bắt đầu xâm nhập vào các trang trại có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng của tỉnh đang “đau đầu” trước diễn biến khó lường của loại dịch bệnh này.

Tính đến giữa tháng 10, 136.582 con lợn (chiếm 28,28% tổng đàn lợn) của 32.867 hộ dân ở 16/18 huyện, thị xã, thành phố (trừ Đông Giang và Tây Giang) bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 8.043 tấn. Trong đó, huyện Thăng Bình là địa phương bị DTLCP gây thiệt hại nặng nhất với hơn nửa đàn lợn phải tiêu hủy.

Tình trạng xác lợn chết vứt ở lề đường vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi.

Dịch tả xâm nhập trang trại 540 con

Mới đây nhất, trang trại với số lượng 540 con của ông Nguyễn Phước Một ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn (nuôi gia công cho Cty Thái Việt) phát hiện bị nhiễm bệnh và chết rải rác một số con. Nhận tin báo, phía Cty Thái Việt và ngành chuyên môn tiến hành lấy 5 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm để xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn này dương tính với virus gây bệnh DTLCP. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chủ trang trại và các đơn vị liên quan khẩn trương tiêu hủy bắt buộc toàn bộ 498 con lợn bị nhiễm bệnh còn lại.

Ông Huỳnh Văn Ánh, chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, trên địa bàn các xã của huyện gồm Duy Trung, Duy Sơn, Duy Châu, Duy Hòa hiện có 9 trang trại nuôi lợn thịt với quy mô 600 - 1.000 con/mô hình. Ngoài ra, tại các xã Duy Vinh, Duy Phước, Duy Thành có gần 100 gia trại nuôi lợn nái và lợn thịt đang có nguy cơ bị dịch xâm nhập. “Từ tháng 5 đến nay trên địa bàn huyện dịch chủ yếu gây hại cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với tình hình dịch bệnh đã bắt đầu lan vào các trang trại có quy mô lớn như hiện nay, việc chống dịch trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả, ngành chức năng của huyện đã yêu cầu các chủ trang trại và gia trại thực hiện tốt công tác phòng dịch để ngăn ngừa nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm”, ông Ánh nói.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng chi cục Thú y tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 78 trang trại chăn nuôi lợn (chủ yếu là lợn thịt) với số lượng 500 – 1.500 con/mô hình và hàng trăm gia trại thả nuôi với số lượng từ 50 con trở lên. “Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh và không có vaccine  điều trị vì vậy việc phòng chống vẫn còn rất nhiều bất cập. Đối với các trang trại lớn thì dựa vào kinh nghiệm của một số địa phương khác chúng tôi thấy rằng để hạn chế virus gây bệnh phát tán biện pháp tốt nhất hiện nay là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài ra, theo ông Nam, chủ trang trại tuyệt đối không để đàn lợn tiếp xúc với môi trường bên ngoài kể cả các con vật chó, mèo cũng là nguyên nhân mang mầm bệnh.

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh như thế nào?

Ông Nam nhấn mạnh thêm, việc DTLCP xâm nhập vào các trang trại có quy mô lớn khiến đàn heo chết hàng loạt còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng về vấn đề tiêu hủy lợn như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tại cuộc họp với các địa phương trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, thời gian qua ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp huyện, xã của một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát khâu phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chính quyền cấp cơ sở thiếu sự quan tâm nên để người dân vứt xác heo chết dọc các tuyến đường và trên các tuyến kênh mương, sông suối gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh lây lan ra diện rộng. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc...

Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là lực lượng chuyên môn của trung tâm kỹ thuật nông nghiệp các huyện còn mỏng, khối lượng công việc quá nhiều nên không đảm đương xuể. Tình trạng heo chết hàng loạt nếu không được chôn lấp đúng nơi quy định cũng sẽ khiến dịch tái bùng phát nhiều nơi. Ông Trung đề nghị trong thời gian tới, không chỉ ngành thú y mà toàn bộ hệ thống chính trị đều phải vào cuộc trong công tác phòng chống dịch bệnh.

ĐỒNG DAO