Quảng Nam đối thoại doanh nghiệp du lịch: Cần nhiều hơn sự đầu tư từ Nhà nước

Thứ hai, 19/01/2015 12:08

(Cadn.com.vn) - Toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 200 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động trên lĩnh vực du lịch, là lực lượng chủ công có nhiều đóng góp trong việc phát triển ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh luôn phát sinh các vấn đề mới, đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của các cấp ngành trong tỉnh.

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn tại, cùng bàn bạc tìm ra giải pháp để tiếp tục duy trì sự phát triển trong hoạt động kinh doanh du lịch, hướng đến mục tiêu năm 2015 phấn đấu đón hơn 3,8 triệu lượt khách, tăng 5% so với năm 2014.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại lần này, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp tập trung vào nhóm cơ chế chính sách, dịch vụ du lịch, thuế, thương mại, đất đai, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, đầu tư, xây dựng...

Ông Ngô Văn Hoàng – Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sunrise - băn khoăn: “Mỗi năm, lượng khách quốc tế đến Hội An tăng hơn 8% là một áp lực về sự quá tải cho đô thị cổ, ảnh hưởng đến môi trường biển. Chỉ trong vòng gần 7 năm trở lại đây, Hội An đã mất hơn 150 m đất do biển lấn sâu vào đất liền, tình trạng biển xâm thực mạnh làm mất đi những bãi tắm đẹp, nhiều hạng mục công trình bị hư hại, tác động tiêu cực đến các khu nghỉ dưỡng ven biển. Một số khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại bị sóng biển "ăn" vào tận phòng ngủ khách sạn khiến khách du lịch không đặt phòng dẫn đến số lượng khách giảm sút. Hơn nữa, có chỗ lưu trú nhưng không có chỗ cho khách tắm biển thì khách sẽ bỏ đi...

Do đó, phải tính đến vấn đề bảo hiểm cho khu lưu trú phục vụ khách ở các bãi ven biển, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn trước sự xâm thực của biển”. Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp Hội An Travel thì cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá các điểm đến, đào tạo nguồn nhân lực... cần có sự đầu tư của Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ với các DN để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách...

Bà Võ Thị Thu – Nguyên Tổng Giám đốc Cty Du lịch Hội An – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh - chia sẻ “so sánh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam về sự đầu tư của Nhà Nước thì Quảng Nam chưa có sự đầu tư nhiều và trọng điểm. Du lịch phải có tính bền vững chứ không phải là sự “hái lượm nhất thời để khai thác cạn kiệt. Cần có sự quy hoạch hợp lý, kêu gọi đầu tư, mở rộng không gian du lịch, thêm sản phẩm mới... để kéo dài thời gian lưu trú của du khách”.

Biển Cửa Đại bị xâm thực nặng nề, gây ảnh hưởng lớn doanh nghiệp và du lịch Quảng Nam.

Những ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các ngành liên quan lắng nghe, ghi nhận. UBND tỉnh đã thống nhất ngành du lịch xây dựng các Đề án, Quy chế trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành năm 2015, gồm: Đề án đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đề án Quản lý và khai thác một số bãi biển du lịch (bãi biển Bình Minh, Thăng Bình và bãi biển Rạng, Núi Thành); Đề án đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2015-2020 đối với cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư và lao động tại các doanh nghiệp du lịch.

Bức tranh về hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam luôn có sự đồng hành cùng các doanh nghiệp. Vì vậy đồng hành cùng doanh nghiệp là chủ đề lớn mà tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, trên tinh thần chung doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả là thước đo cho sự khởi sắc của ngành du lịch. Tiếp tục cùng chung tay xây dựng một Quảng Nam an toàn, thân thiện trong mắt du khách là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp, địa phương trong năm 2014 và những năm tiếp theo...

Thảo Nguyên