Quảng Nam đưa khu neo đậu tàu cá Hồng Triều vào sử dụng: Mừng & lo

Thứ tư, 10/11/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sáng 20-10, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam chính thức bàn giao khu neo đậu tàu cá (tại thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa) cho UBND H. Duy Xuyên tiếp nhận và quản lý. Việc đưa công trình trọng yếu này vào sử dụng khiến hàng nghìn ngư dân xứ Quảng mừng vui khôn xiết. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo...

Ước mơ thành hiện thực

Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp, tính đến thời điểm này Quảng Nam có gần 4 nghìn tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, lâu nay, mỗi khi bão lũ ập tới là ngư dân lại nặng trĩu âu lo vì phương tiện của họ không tìm được chỗ neo đậu an toàn. Bởi, toàn tỉnh chỉ có lèo tèo vài âu thuyền nhỏ, không đủ sức chứa. Vì vậy, không còn cách nào khác, nhiều người phải chấp nhận cho tàu của mình nằm ven bờ biển, nơi cửa sông, mặc cho sóng gió bão bùng, tai họa luôn rình rập.

Trước thực tế rất bức xúc này, tháng 4-2008, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư 44 tỷ đồng để xây dựng khu neo đậu tàu cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên) trên tổng diện tích gần 16 ha nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân trong mùa mưa bão, kết hợp hình thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo tiền đề cho các hoạt động kinh tế trong khu vực phát triển. Theo ông Võ Văn Năm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, công trình trên gồm các hạng mục chính: nạo vét luồng và vũng đậu, kè bảo vệ bờ, đê ngăn cát chắn sóng, trụ neo tàu, cầu dẫn nối bờ, san lấp mặt bằng, đường công vụ, hệ thống phao báo hiệu, thiết bị thông tin liên lạc... đáp ứng cho hơn 1 nghìn tàu thuyền (công suất từ 20 - 350 CV) của TP Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và một số địa phương lân cận (như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) neo đậu tránh trú bão.

Ông Nguyễn Tấn Nam – Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, hiện nay toàn xã có tổng cộng 70 phương tiện khai thác thủy hải sản. Vậy nhưng, thời gian qua, khi bão lũ xuất hiện, ngư dân rất “đau đầu” trong việc tìm nơi neo đậu tàu thuyền. Gần cuối năm 2007, lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, gió giật mạnh, hàng chục tàu cá của ngư dân địa phương neo ở cửa sông bị đứt dây, trôi mất. Tháng 10-2009, cơn bão số 9 ào đến, cũng vì không có nơi trú ẩn an toàn mà rất nhiều chiếc thuyền máy công suất lớn ở đây bị nhấn chìm và va đập vỡ nát.

Sáng 20-10, tận mắt chứng kiến lễ bàn giao khu neo đậu tàu cá Hồng Triều, lão ngư Tạ Văn Lâu (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) không giấu được niềm phấn khởi: “Mừng quá, chú ơi. Rứa là  ước mơ bỏng cháy từ bao đời nay của bà con chúng tôi đã thành hiện thực rồi. Con tàu là khối tài sản lớn nhất của ngư dân, khi có bão lũ mà neo đậu không an toàn thì bụng dạ nóng như lửa đốt. Bởi, mất nó là mất tất cả”. Cách đây 4 năm, trong trận cuồng phong Xangsane, chiếc tàu đánh cá của ông Lâu neo đậu sát bờ biển bị sóng đánh vỡ tan tành. Để có cái ăn và lo chuyện học hành cho bầy con nhỏ, vợ chồng ông Lâu đã phải ôm giấy tờ nhà đất lên ngân hàng thế chấp để mang về hơn 250 triệu đồng đầu tư đóng mới lại một chiếc tàu. Bây giờ, nợ nần vẫn còn chồng chất, nếu đất trời đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, con tàu đó có mệnh hệ gì là ông Lâu sẽ... trắng tay. Bởi vậy, khu neo đậu tàu cá Hồng Triều hoàn thành và đưa vào sử dụng như trút đi được gánh nặng trong ông. Và, có lẽ, không riêng gì lão ngư ấy, niềm vui cũng đang ngập tràn ở những xóm biển nghèo khó nơi xứ Quảng này.

  Mặt kè bê-tông quanh bờ của âu thuyền xây quá thấp, khi có bão lũ, tàu rất dễ "mắc cạn". Ảnh: Văn Sự

Và những nỗi lo

Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên cho rằng, xây dựng khu neo đậu tàu cá Hồng Triều là việc làm thiết thực, tạo cho ngư dân một sự an tâm rất lớn trong mùa bão lũ. Tuy nhiên, theo ông Cảnh, âu thuyền này vẫn chưa đảm bảo được sự an toàn cho các tàu cá vào trú ẩn. Bởi, khi có bão, gió sẽ giật tứ hướng, trong khi đó mỗi tàu chỉ được neo một mũi vào trụ, rất dễ bị đứt dây, lật chìm, trôi dạt. Vì vậy, ông Cảnh đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng thêm một số trụ bê-tông lớn để mỗi tàu được buộc 2 dây neo ở 2 đầu. Vậy nhưng, đại diện đơn vị tư vấn – thiết kế lại bác bỏ ý kiến này với lý do là, nếu xây dựng thêm trụ bê-tông thì không gian của âu thuyền sẽ bị vướng bởi quá nhiều dây neo, khiến việc vào ra của tàu thuyền (nhất là những tàu có công suất lớn) gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một khi không gian của âu thuyền chằng chịt những dây neo thì sức chứa chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Ông Nguyễn Tấn Nam – Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa thì đề xuất: “Theo tôi, Sở NN&PTNT Quảng Nam, các ngành liên quan ở tỉnh và chính quyền H. Duy Xuyên cần khẩn trương hỗ trợ cho địa phương một nguồn kinh phí để gấp rút khôi phục lại rừng dừa nước tại khu vực âu thuyền này. Bởi, đây là nơi đầu sóng ngọn gió, nếu không có rừng dừa nước làm lá chắn bão thì nhất định tàu thuyền sẽ bị va đập mạnh dẫn đến hư hỏng, vỡ nát”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, âu thuyền Hồng Triều có một rừng dừa nước rất rộng lớn. Thế nhưng, trong quá trình san lấp mặt bằng, nạo vét luồng và vũng đậu... rừng dừa nước chắn gió cực kỳ hữu hiệu ấy đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Phá đi rồi trồng lại là cả một vấn đề. Nếu ý kiến của ông Nam được chấp nhận thì ít nhất 10 năm nữa âu thuyền Hồng Triều mới có lại được rừng dừa nước của ngày xưa. Quả là một sự lãng phí cả về tiền của lẫn thời gian.

Còn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, mặt kè bê-tông xung quanh bờ của âu thuyền Hồng Triều xây quá thấp. Vì vậy, khi lũ lớn xuất hiện mặt kè này sẽ bị lút mất. Gió giật mạnh, chỉ buộc một mũi neo thì chắc chắn nhiều tàu sẽ không thể nằm im ở một điểm cố định. Giả thuyết đưa ra là, nếu tàu di chuyển, nhỡ đáy của nó nằm trên mặt kè lút nước, khi lũ rút thì không tránh khỏi tình trạng tàu bị thủng đáy và hư hỏng...

Tại lễ bàn giao nhưng lại có không ít lời... bàn ra. Vì vậy, những người có trách nhiệm không thể không suy ngẫm!

Nguyễn Văn Sự