Quảng Nam kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí mua giống sau lũ

Thứ sáu, 23/12/2016 09:40

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-12, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Đức Quang - Phó cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục thủy Lợi có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam. Trước đó, đoàn công tác đã có buổi kiểm tra một số xã của H. Đại Lộc, nơi bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra. Báo cáo với đoàn công tác, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, đợt mưa lũ kéo dài khiến 7 người chết, 33 người bị thương. Mưa lũ khiến 18 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 19 nhà hư hại, 22 nhà bị thiệt hại một phần. Đặc biệt, có 823ha lúa bị thiệt hại, 3.696ha hoa màu mất trắng. Lĩnh vực chăn nuôi có 244 con gia súc bị chết; 6.691 con gia cầm chết. Hơn 35.000m kênh mương bị sạt lở; 80.000 m3 đất đá bồi lấp; 38 cống bị hư hỏng; 7 đập bị sạt lở và 3 trạm bơm hư hỏng. Theo ước tính ban đầu, tổng số tiền thiệt hại sau đợt lũ vừa qua của toàn tỉnh là 473 tỷ đồng.

Để khắc phục sau lũ, tỉnh Quảng Nam đề nghị T.Ư hỗ trợ 15 tỷ đồng để mua giống sản xuất nông nghiệp, 30 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi. Hơn 10 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp và nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý tình hình sạt lở ở bờ biển tại Hội An và 50 tỷ đồng khắc phục các công trình giao thông hư hỏng sau lũ... Theo ông Đức, riêng về hỗ trợ rau màu, tỉnh Quảng Nam đề nghị T.Ư nên hỗ trợ tiền cho nông dân. Qua đó, người dân tự lựa chọn mua những loại giống phù hợp để canh tác cho kịp rau vụ Tết Nguyên đán.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra thiệt hại sau lũ ở H. Đại Lộc.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng, nếu chờ nguồn giống T.Ư về thì quá muộn. Do đó, cần hỗ trợ tiền để bà con mua giống tái sản xuất. Cũng theo ông Thanh, các đợt mưa lũ trước mang theo phù sa về cho đồng ruộng rất nhiều, nhưng cơn lũ này toàn cát. Theo đó có hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị cát vùi lấp dày từ 0,5-1m. “Nếu không hỗ trợ người dân thu dọn cát thì khi hỗ trợ giống không có đất sản xuất. Do đó, phải có chế độ hỗ trợ người dân thu dọn sa bồi thủy phá”, ông Thanh đề nghị.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó cục trưởng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục thủy Lợi cho rằng, qua thực tế tại H. Đại Lộc cho thấy rất nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cát vùi lấp, sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong cơ chế quyết định hỗ trợ sau lũ theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam thì nội dung này không có trong danh mục. “Biết rằng thời vụ quá gấp, Quảng Nam đề nghị hỗ trợ tiền cũng có lý, tuy nhiên phải được thống nhất của nhiều bộ, ngành mới quyết định được. Tới đây sẽ có buổi làm việc với Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ có đề nghị Thủ tướng sớm đưa ra cơ chế tạm ứng ngay lập tức, sau đó các thủ tục sẽ hoàn thiện sau. Còn bình thường mất 2-3 tháng mới có hỗ trợ, như vậy sẽ trễ thời vụ”, đại diện Bộ NN&PTNT nói.

B.B