Quảng Nam: Mưa lớn kéo dài, thủy điện lại xả lũ

Thứ ba, 21/11/2017 15:00

Hậu quả từ cơn bão số 12 để lại vẫn chưa khắc phục xong thì lượng mưa lớn đổ về từ đêm 19-11 đã đặt Quảng Nam vào công tác sẵn sàng ứng phó với diễn biến xấu. Ngày 20-11, BCH PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu cơn bão số 14 suy yếu khiến các địa phương Quảng Nam xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Theo đó, từ nay đến 25-11 các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trên sông Vu Gia ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động III, trên sông Thu Bồn ở mức báo động II đến báo động III, trên sông Tam Kỳ ở mức báo động II đến báo động III. Hiện đã có nhiều thủy điện trên địa bàn xả lũ điều tiết, trong đó Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) đã phát đi thông báo số 08, hiện mực nước hồ đang ở cao trình 171,86m, lưu lượng về 658,44m3/2, lưu lượng nước qua tràn hai tổ máy để phát điện 204m3/s. Do lưu lượng nước về hồ lớn hơn lưu lượng nước qua hai tổ máy, nên hồ TĐST2 bắt đầu xả nước qua tràn từ 19 giờ ngày 19-11 với lưu lượng trung bình từ 250m3/s đến 1.500m3/s tùy theo lượng nước về hồ thực tế; Thủy điện A Vương đang xả với lưu lượng 137m3/s; Thủy điện Đak Mi 127m3/s; Thủy điện Sông Bung 4 gần 260m3/s. Sau cơn bão số 12 vừa qua, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, trong 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn tại tỉnh này, 12 hồ đã tích đầy nước, 4 hồ còn lại đạt từ 80%- 97% dung tích. Trong 56 hồ chứa nhỏ cũng có tới 32 hồ đã đầy nước, các hồ còn lại đạt trên 60% dung tích.

Khu vực bị sạt lở tại xã Trà Vân (H. Nam Trà My) đã sơ tán toàn bộ người dân.

Bên cạnh nỗi lo nước lũ dâng cao thì công tác sơ tán dân tại vùng sạt lở cũng đang được tích cực triển khai. Tại H. Bắc Trà My nơi vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến hàng chục ngôi nhà bị xóa sổ, công tác ứng phó với sạt lở vẫn chưa có phút nào ngơi nghỉ. Chính quyền địa phương đã khảo sát các địa bàn có nguy cơ sạt lở và tiến hành di dời dân. Trong 2 ngày qua, đã có 300 hộ dân với trên 1.000 người dân các thôn bị cô lập được chính quyền địa phương di dời ra khỏi vùng sạt lở tại xã Trà Bui.  Theo ông Hồ Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết hiện nay Trà Bui có nguy cơ sạt lở cao vì hầu hết các ngọn núi quanh vùng đều đã ngấm nước mưa. Tình hình mưa lớn kéo dài cho đến hết tuần khiến nguy cơ sạt lở càng tăng cao đe dọa số dân cư sinh sống dưới chân núi. "Chính quyền xã trong những ngày qua phải liên tục đến từng thôn để đưa người dân đến tạm trú ở những nơi an toàn hơn.  Các thôn bị cô lập như thôn 7, 8, 9 hầu hết đã đưa người dân đi tránh trú. Nơi thì tập trung vào các trường học cao ráo, nhưng có nơi cũng phải dựng lán, trại cho người dân ở tạm. Hiện đang mưa rất lớn nên địa phương khuyến cáo người dân không được quay trở về nhà đề phòng tai nạn", ông Tiến cho biết.

Người dân vùng sạt lở đã được sơ tán đến nơi an toàn tại trường học hoặc các lán trại.

Còn tại H. Nam Trà My, khu vực xã Trà Vân bị sạt lở khiến 5 người chết hiện nay đã sơ tán toàn bộ người dân xung quanh ra khỏi nơi nguy hiểm. Theo ông Hồ Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Trà Vân, mưa lớn nhiều ngày qua khiến địa bàn xã xuất hiện hơn 100 điểm sạt lở. Trong số đó các ngọn đồi quanh khu vực thôn 2 tại các nóc Ông Bình, Ông Miên, Ông Tuân và khu vực dọc tuyến trục đường chính đi vào thôn đã có dấu hiệu sạt lở. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: "Tình trạng sạt lở đất núi ở một số nơi trên địa bàn  xã Trà Vân hiện nay rất phức tạp và nguy cấp.  Sau bão số 12 địa phương đã huy động tổng lực lượng tiến hành khắc phục tạm thời đến nay đã thông đường cho người dân các xã. Địa điểm mới tại nóc Khe Chữ đã được chọn để di chuyển 141 hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi ở mới an toàn. Theo đó, mỗi người dân sẽ được cấp ít nhất 200m2 đất ở để làm nhà, chuồng trại... Lo lắng nhất là hiện nay mưa lớn vẫn kéo dài cộng với hệ lụy để lại từ đợt mưa bão số 12 khiến cho công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn".

H.D