Quảng Nam phát triển nhiều mô hình mới

Thứ tư, 01/11/2023 10:47
Với tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương, Quảng Nam có thể hình thành các tour du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, tâm linh, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã... Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chưa được "đánh thức". Vì vậy, trong kế hoạch phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch địa phương vừa được ban hành, Quảng Nam cũng xác định lấy loại hình du lịch trải nghiệm làm trung tâm và thúc đẩy du lịch chuyên đề.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch Quảng Nam.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch Quảng Nam.

Hiện tại, một số điểm đến, như: làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú và Triêm Tây (TX Điện Bàn) bước đầu khai thác tour du lịch thực hành lối sống bền vững với thời gian. Tour khá dài 4-5 ngày đã đạt nhiều kết quả khả quan, được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn. Theo ông Lê Hoàng Hà-Giám đốc Cty TNHH Du lịch EMIC Travel, khi tham gia các tour du lịch như vậy du khách sẽ có được những trải nghiệm mới mẻ về đời sống của người dân bản địa. Khách du lịch cũng sẽ được tiếp cận học hỏi, tích lũy một số kỹ năng thường nhật có thể áp dụng trong cuộc sống về sau. Ngoài chuyên đề về môi trường, nhiều địa phương tại Quảng Nam đang sở hữu dư địa để khai mở các tour du lịch chuyên đề về văn hóa tâm linh ở phố cổ Hội An, tour du lịch sâm Ngọc Linh với điểm nhấn là phiên chợ sâm hàng tháng… Vấn đề cần làm hiện nay là xâu chuỗi các câu chuyện, điểm đến thành một mạch trải nghiệm tiếp nối với sự sáng tạo, giảm tối đa sự trùng lắp thì mới hình thành được một tour chuyên đề hấp dẫn.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My, cho biết: để quảng bá hình ảnh của địa phương, Nam Trà My đã xây dựng nhiều tour du lịch hấp dẫn, như: chinh phục đỉnh Ngọc Linh huyền thoại, khám phá rừng thông cổ hàng nghìn năm tuổi hay công viên dây leo cổ đại, thăm Bảo tàng sâm Ngọc Linh, vườn sâm giống Tắk Ngo, trải nghiệm với người dân tại làng trồng sâm,… Cùng với đó, khách du lịch có thể trải nghiệm du lịch với dược liệu, vừa ăn, ngủ, trị bệnh,... với cây dược liệu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng-Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, hoạt động du lịch tại Quảng Nam trong thời gian qua còn có một số hạn chế, thách thức như phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Một số nơi phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển. Cùng với đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn vướng về công tác quy hoạch, thủ tục đất đai, các chính sách ưu tiên đầu tư cho du lịch chưa đủ mạnh; liên kết chưa thật sự hiệu quả, trùng lắp sản phẩm. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương mới được triển khai ở các cơ quan quản lý nhà nước và các Hiệp hội Du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá, trao đổi kinh nghiệm… Các doanh nghiệp hoạt động du lịch chỉ dừng lại ở khâu kinh doanh lữ hành, kết nối tour tham quan giữa các địa phương, chưa chủ động phối hợp với nhau để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, cùng khai thác.

Với mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước, xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế, địa phương, Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều phương án đồng bộ, như thực hiện liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh, với các địa phương trong vùng liên kết. Ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp. Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ gắn với hệ thống thông tin truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường… đảm bảo đồng bộ, phục vụ phát triển du lịch.

Đặc biệt, Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương để nâng cao sức cạnh tranh. Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và TTATXH. Giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa. Khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững. Phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, gắn với sản phẩm OCOP để tạo sự cộng hưởng qua lại cùng phát triển. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Tăng cường các hoạt động liên kết vùng, các ngành, lĩnh vực như: hàng không, thương mại, truyền thông để xúc tiến quảng bá.... phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

M.T