Quảng Nam sau 3 năm cải cách hành chính

Thứ sáu, 02/08/2019 11:21

UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05 của Thành ủy về cải cách hành chính (CCHC), công bố chỉ số CCHC năm 2018. Theo đó, 3 năm qua, công tác CCHC trên địa bàn TP Tam Kỳ có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể, 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan chuyên môn được chuẩn hóa theo quy trình ISO 9001. 3 năm qua, Tam Kỳ đều nằm trong top dẫn đầu của tỉnh về chỉ số CCHC, trong đó năm 2016 và 2017 xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ nhì tỉnh.

Cán bộ TTHCC TP Tam Kỳ đã giải quyết hồ sơ cho người dân.

Thông tin từ Trung tâm hành chính công (TTHCC) Tam Kỳ cho biết năm 2018 TTHCC TP Tam Kỳ được khai trương với mục tiêu chuyển từ "nền hành chính quản lý" sang "nền hành chính phục vụ" người dân. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP đã có từ năm 2001. Tại Đại hội Đảng bộ TP Tam Kỳ nhiệm kỳ 2015 - 2020, CCHC được xác định là một trong ba khâu đột phá của Tam Kỳ. Vì vậy, có thể coi việc thành lập TTHCC là bước đi trong cải cách TTHC nhằm cụ thể hóa khâu đột phá CCHC của Tam Kỳ. So với trước đó, TTHCC được nâng tầm về chức năng, nhiệm vụ, bao gồm thẩm định và trả kết quả trên các lĩnh vực công an, thuế, tư pháp, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, tài chính- kế hoạch, lao động- thương binh- xã hội, nội vụ, y tế, GD-ĐT, văn hóa thông tin, bảo hiểm xã hội, bưu chính viễn thông, ngân hàng. Số danh mục TTHC  thực hiện tại trung tâm được nâng lên với 196 thủ tục trên 25 lĩnh vực thuộc 14 cơ quan, đơn vị. Thời gian giải quyết TTHC cắt giảm so với quy định của Trung ương và của tỉnh đạt tỷ lệ 25%. Năm 2018, trung tâm tiếp nhận 27.119 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 23.738 hồ sơ, góp phần tích cực vào việc đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Minh Nam- Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ thì để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra và phục vụ người dân tốt hơn, làm thước đo thành công của CCHC, TP đưa ra nhiều giải pháp, trong đó trước hết là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Thực hiện nghiêm túc việc trả lời phản ánh, kiến nghị của công dân, doanh nghiệp và gửi thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn...

Trong khi đó, sau gần 1 năm triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Nghị định 61 tại các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Đã có 1.521 TTHC được tiếp nhận tại TTHCC tỉnh; trong đó các sở, ban ngành giải quyết tại trung tâm 1.439 TTHC và 82 TTHC của 3 cơ quan ngành dọc. Tính đến thời điểm này, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và phần mềm một cửa điện tử đang được triển khai vận hành thông suốt, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại TTCC tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Đã có 7/18 huyện, thị, thành phố sử dụng phần mềm, hệ thống phần mềm của tỉnh đã kết nối, đồng bộ dữ liệu thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Từ nền tảng của bộ máy TTHCC, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh năm 2019. Mục đích kế hoạch nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao các nội dung, tiêu chí thành phần của PAR INDEX tỉnh năm 2019; khắc phục các mặt còn tồn tại, hạn chế của công tác CCHC năm 2018. Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2019, PAR INDEX của tỉnh đạt kết quả từ 80% trở lên so với tổng điểm đánh giá và tăng 10 - 15 bậc trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường- Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Quảng Nam cho rằng việc CCHC phải luôn được đổi mới và tiến hành liên tục, không được bằng lòng với kết quả đã đạt được, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại.

Ông Phan Việt Cường nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh nói chung và TP Tam Kỳ nói riêng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh còn thấp, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trên lĩnh vực đất đai cao; công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp có mặt chưa đồng bộ. Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh còn nhấn mạnh đến việc công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý công việc trên môi trường mạng; thực hiện nghiêm túc quy định thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Hà Dung

Nhiều sở ở Quảng Nam giải quyết hồ sơ đúng hẹn 100%

Từ đầu năm đến nay, TTHCC và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam tỉnh đã tiếp nhận 46.735 hồ sơ và giải quyết 43.809 hồ sơ. Trong đó, trước và đúng hạn 43.231 hồ sơ (99%) và trễ hạn 577 hồ sơ (1%). Các cơ quan có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn 100% là: Sở Công Thương, Sở GTVT, Sở KH&CN, Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL, Sở Nội vụ và Công an tỉnh. Các đơn vị có hồ sơ trễ hạn nhiều: Xây dựng (257), Y tế (164), TN&MT (91). Hiện nay có 498 TTHC trực tuyến mức độ 3 và 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh (chiếm 35% tổng số TTHC đưa vào thực hiện tại Trung tâm). Hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến đến ngày 20-7 là 6.098 hồ sơ, chiếm 13% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.

TH. HÀ