Quảng Nam sẽ có hình mẫu du lịch nghệ thuật cộng đồng của Việt Nam

Thứ năm, 09/03/2017 09:47

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-3, UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp báo công bố nội dung dự án thí điểm "Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng" tại xã Tam Thanh. Đây là dự án phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương đầu tiên tại Việt Nam được triển khai theo hình thức mời gọi sự cộng tác và hỗ trợ kỹ thuật tình nguyện của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự án này không chỉ thúc đẩy Tam Thanh mà cả Tam Kỳ trở thành một trong chuỗi điểm đến du lịch văn hóa ở miền Trung.

Từ Làng Bích họa đến mô hình "làng trong phố"

Theo ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, từ vùng quê yên bình với nhiều lợi thế nhưng chưa được đánh thức, xã Tam Thanh bỗng trở thành một hiện tượng, được nhiều người biết đến bởi Làng Bích họa độc đáo. Mô hình này là dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - Việt Nam do UBND TP Tam Kỳ và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (The Korea Foundation - KF) đồng tổ chức và thực hiện. Vốn là một vùng biển nghèo, Tam Thanh nhanh chóng trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Tam Kỳ. Thành công của Làng Bích họa Tam Thanh đã thu hút du khách khắp nơi tìm về. Dịp cuối tuần, ngôi làng có một bên biển, một bên sông này đón hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày. "Cuộc sống của người dân trở nên khấm khá khi gần như những thứ họ có lâu nay đều trở thành sản phẩm du lịch. Chúng tôi đang kỳ vọng dự án sẽ mang lại sinh kế và cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng và trở thành hình mẫu đầu tiên về phát triển du lịch nghệ thuật cộng đồng đầu tiên của Việt Nam", ông Nam cho biết.

Theo bà Lê Diệu Ánh, Chuyên gia Phát triển đô thị và cộng đồng, điểm độc đáo của dự án này là không có thiết kế ban đầu, không xuất phát từ trong văn phòng hay trên máy tính mà với nền tảng đã có từ trong cộng đồng dân cư, các tình nguyện viên và chuyên gia đã đi gõ cửa từng gia đình để xem họ đã có những gì và cần những gì từ trên lợi thế có sẵn. Dự án cũng đã nhận được nguồn hỗ trợ 1,1 tỷ đồng để trang bị cho cộng đồng những kỹ năng cần thiết như là một "quỹ mồi", sau đó chính người dân sẽ tự nguyện tham gia hợp tác xã du lịch, tự gây quỹ để cùng nhau phát triển chuỗi giá trị mà mình tạo ra. "Dự án sẽ khai phá nguồn lực nội tại của cộng đồng dân cư để đi lên. Chúng tôi đánh giá đây là dự án phát triển du lịch cộng đồng có chi phí rẻ nhất và mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho người dân địa phương", bà Ánh khẳng định. Theo Ban Chủ nhiệm dự án, điểm riêng có của du lịch Tam Thanh là thu hút du lịch thông qua việc đưa nghệ thuật vào không gian sống với sự tham gia của cộng đồng. Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh khởi đầu từ Làng Bích họa sẽ phát triển tiếp với Con đường Thuyền thúng, Làng Bách hoa - Làng Không rác và các khu vực cảnh quan nghệ thuật sắp đặt khác tạo thành. Trong đó, Con đường Thuyền thúng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam do các nghệ nhân, họa sĩ nổi tiếng cùng cộng đồng tạo thành bộ tranh thuyền thúng độc đáo đầu tiên và dài nhất với sự tham gia của cộng đồng. Tiếp đó, Làng Bách hoa sẽ như bộ sưu tập những loài hoa cỏ đặc trưng của địa phương, Làng Không rác sẽ là quyết tâm của người dân như một lời cam kết về môi trường trong lành đối với du khách gần xa. Quần thể này sẽ trở thành hình mẫu của "Làng trong phố".

Giới trẻ trải nghiệm các địa điểm du lịch độc đáo tại Tam Thanh. Ảnh: Công Khanh

Tam Thanh đang có cơ hội trở thành điểm kết nối trong chuỗi các điểm đến
của du lịch miền Trung. Trong ảnh: Du khách đi qua Làng Không rác để vào Làng Bích họa.

Không vội vàng, tránh "vỡ trận"

"Cơn sốt" Làng Bích họa là tiền đề không thể tốt hơn cho dự án "Phát triển du lịch Tam Thanh với sự tham gia của cộng đồng". Chỉ sau hơn nửa năm, giờ đây gần như gia đình nào của xã này cũng có thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp từ du lịch. Chị Nguyễn Thị Sáu (người dân thôn Trung Thanh) cho biết, trước đây công việc hàng ngày gần như chỉ chờ chồng đi biển về rồi mang cá ra chợ bán để duy trì cuộc sống cả gia đình. Từ khi có nhiều khách du lịch đến đây, chị huy động các nguồn vốn để xây phòng lưu trú, mở quán nước, nấu ăn cho khách du lịch. "Chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng công việc thường xuyên, bớt nặng nhọc lại chẳng phải ăn hôm nay lo ngày mai nữa. Cả làng đang cùng nhau làm du lịch giá rẻ", chị Sáu hào hứng.  Ông Đỗ Đình Đồng - Trưởng thôn Trung Thanh phấn khởi: "Cuộc sống của cả thôn đều khấm khá hơn từ việc dịch vụ homestay, ăn uống, giải khát. Con cá hố khai thác bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, chai nước mắm truyền thống Tam Thanh sản xuất ra là hết hàng. Khách du lịch sử dụng tại chỗ rồi mua về làm quà tặng. Chúng tôi khảo sát sơ bộ, thu nhập của người dân đã lên tới 42 triệu đồng/người/năm. Con số trước đây dân biển chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ đến".

Thuyền của người dân địa phương được các họa sĩ trang trí trước khi đưa vào sắp đặt Con đường Thuyền thúng như bộ tranh độc đáo đầu tiên và dài nhất với sự tham gia của cộng đồng.
Ảnh: Công Khanh

Sự lột xác của Tam Thanh cũng đặt ra cho chính quyền xã cũng như TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam những áp lực trong việc hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, giữ gìn những giá trị sẵn có, tránh "vỡ trận" như nhiều làng du lịch cộng đồng trên cả nước. Theo ông Nguyễn Minh Nam, song song với việc định hướng cho người dân sẵn sàng, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững thì bài toán về hạ tầng giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề không đơn giản. Bên cạnh đó, nếu chỉ dựa vào những gì đang có thì du khách sẽ chỉ đến một lần, lưu trú rất ngắn và không bao giờ trở lại. "Nếu chỉ có mỗi Làng Bích họa thì không thể kéo khách trở lại. Cả người dân và chính quyền phải làm sao để mời gọi khách đến, giữ chân khách lâu hơn và họ ao ước trở lại khám phá. Không chỉ đa dạng, đổi mới sản phẩm mà Tam Thanh phải sạch. Mỗi người dân phải được đào tạo kỹ năng và nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng. Dự án của chúng tôi phải đưa ra những giải pháp bền vững để cải thiện môi trường sống và tạo sinh kế cho cộng đồng", ông Nam nhấn mạnh. Về những nguy cơ "vỡ trận" cung cầu, tình hình ANTT cũng như đánh mất những giá trị cốt lõi nhất của địa phương khi du lịch tăng trưởng nóng, bà Nguyễn Thu Nga, Chuyên gia Truyền thông - Thương hiệu, thành viên Ban Chủ nhiệm dự án khẳng định: "Chúng ta đã có bài học từ rất nhiều làng du lịch cộng đồng. Khi Tam Thanh chưa sẵn sàng thì chúng tôi sẽ không gượng ép, không vội vàng. Chúng ta không áp đặt người dân mà dựa vào họ. Vì chính người dân là chủ thể của phát triển du lịch cộng đồng".

Công Khanh