Quảng Nam thiếu nguồn giống sâm Ngọc Linh
(Cadn.com.vn) - Tỉnh Quảng Nam đang thực hiện đề án phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực, xây dựng ngành công nghiệp chế biến sâm. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn giống sâm đã gây nhiều khó khăn cho đề án này.
Vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh dần được hình thành, mang lại thu nhập cao |
Khó như trồng sâm Ngọc Linh
Hiện nay Quảng Nam có hai trung tâm nhân giống và trồng mới sâm Ngọc Linh, là Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu tỉnh Quảng Nam và Trại sâm giống Tắk Ngo (thuộc H. Nam Trà My). Dù có những tiến bộ đáng kể, nhưng việc nhân giống và trồng mới sâm Ngọc Linh vẫn rất khó khăn. Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, Trung tâm đang trồng hơn 5,6ha sâm, với số lượng cây là 207.000 cây. Từ năm 2013 đến 2016, Trung tâm thu được 462.000 hạt giống, tuy nhiên số cây giống tạo được chỉ đạt trên 124.00 cây. “Trong năm 2017, tình hình sinh trưởng phát triển của cây giống có phần được cải thiện, tuy nhiên dự kiến lượng hạt giống đạt được chỉ khoảng 120.000. Hiệu quả gieo ươm, tạo cây giống sâm Ngọc Linh có tăng lên nhưng tỷ lệ cây giống đạt được trên số lượng hạt giống mang gieo thấp, khoảng 40%. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu để nâng cao số lượng cây giống sâm Ngọc Linh”, ông Út nói.
Còn ở H. Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương đã đặt cây sâm ở vị thế chủ lực trong các loại cây trồng cần được đầu tư bảo tồn và phát triển. Hiện tại xã Trà Linh có 110 hộ trồng sâm, với diện tích gần 65ha sâm gồm nhiều độ tuổi khác nhau, Trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2 xã Trà Linh) có 3 ha sâm giống, có độ tuổi 2 - 4 năm. Ý thức nguồn lợi từ cây sâm mang lại, người dân đã mở rộng diện tích trồng. Nếu nhưng năm 2014, số hộ trồng sâm tại xã Trà Linh chỉ vào khoảng 110 hộ thì đến nay phát triển tại 7/10 xã, số hộ trồng sâm tăng lên đến trên 900 hộ, đăng ký trên 1.200ha dịch vụ môi trường rừng trồng sâm. Giá trị sâm Ngọc Linh cũng tăng lên rất cao, khi giá cây sâm giống loại 1 năm tuổi từ chỗ 50 nghìn đồng/cây tăng lên 150.000 – 180.000 đồng/cây; giá sâm các loại bình quân từ 50- 75 triệu đồng/kg; loại đặc biệt 1 củ 2 lạng từ 150 – 200 triệu đồng/kg. Vì vậy mỗi héc-ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng. “Nhờ áp dụng phương thức kỹ thuật, tỷ lệ sống của cây sâm con tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay khâu tạo giống hết sức khó khăn, chủ yếu người dân tự thu hoạch hạt giống. Với nhu cầu trồng sâm như hiện nay thì nguồn giống sâm chất lượng chưa thể đáp ứng, chưa thể hình thành vùng sâm nguyên liệu ổn định. Vì vậy, về lâu dài cần có một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống chuẩn, có số lượng lớn, kiểm định chất lượng giống, bảo vệ thương hiệu sâm núi Ngọc Linh”, ông Bửu nói.
Sâm Ngọc Linh. |
Lo bảo vệ gen sâm Ngọc Linh
Nguồn giống sâm Ngọc Linh đang khiến cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trăn trở, khi mà cây giống chủ yếu được ươm từ hạt. Nguồn giống này đảm bảo, nhưng số lượng hạn chế. Trong khi đó nguồn giống công nghệ nuôi cấy mô mới ở giai đoạn nghiên cứu, thực nghiệm, chưa thể đáp ứng. Theo đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh, trong giai đoạn 1 (2016-2020) sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, bảo tồn giống và phát triển vùng nguyên liệu sâm. Giai đoạn 2 (2020-2030) sẽ tổ chức di thực trồng sâm ra 7 xã của H. Nam Trà My với diện tích 30.000 ha; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâm và du lịch gắn với phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Tổng mức đầu tư của 2 giai đoạn này trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa. Hiện nay đã có 6 doanh nghiệp đăng ký vào đầu tư trồng sâm núi Ngọc Linh, với tổng diện tích đăng ký gần 100ha. Trong đó đã có 2 doanh nghiệp tổ chức trồng sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm núi Ngọc Linh. Với mục tiêu và nhu cầu cao như vậy thì việc đảm bảo nguồn giống để cung cấp cho nhân dân và doanh nghiệp tham gia trồng là rất quan trọng.
Vì cây sâm giống khan hiếm thế nên có hiện tượng trà trộn những giống sâm khác vào trồng ở núi Ngọc Linh, trên thị trường rao bán nhiều loại củ giả sâm Ngọc Linh, điều này làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm núi Ngọc Linh. Trong cuộc họp về kế hoạch phát triển sâm Ngọc Linh hôm 10-5, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải tạo được nguồn giống để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. “Chúng ta đầu tư nhiều nhưng nguồn giống sâm Ngọc Linh chưa tăng lên bao nhiêu, thế nên hai Trung tâm nhân giống và trồng mới phải có các giải pháp để đảm bảo nguồn giống. Tuy nhiên phải bảo tồn và giữ cho được gen gốc của sâm Ngọc Linh, không để loại sâm khác xâm thực vào”, ông Thu yêu cầu. Trước đề xuất của H. Nam Trà My về việc kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, ông Đinh Văn Thu cho biết, trước hết phải ưu tiên diện tích trồng sâm Ngọc Linh cho người dân. “Giao diện tích đất rừng thuận lợi để giúp người dân H. Nam Trà My trồng sâm thoát nghèo. Còn việc kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh không khó, nhưng trước mắt phải đảm bảo được nguồn giống để đáp ứng nhu cầu trồng. Quan điểm là chỉ kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia trồng sâm Ngọc Linh”, ông Thu cho hay.
Hoàng Anh