Quảng Nam thiếu nước sản xuất
Những cơn mưa rải rác mấy ngày vừa qua không “thấm” vào đâu so với những đợt nắng gay gắt suốt 3 tháng qua tại Quảng Nam. Là vùng trồng lúa lớn của địa bàn miền Trung hai địa phương này đang gồng mình với đợt hạn hán dai dẳng ngay từ đầu mùa gieo sạ. Đáng lo ngại hơn là dự báo trong những tháng tiếp theo sẽ liên tiếp có những đợt nắng nóng cao điểm đổ về. Các biện pháp chống hạn đã và đang tích cực được chính quyền các địa phương triển khai thế nhưng nếu nước không về thì những tháng sắp tới sẽ vô cùng gian nan.
Nông dân xứ Quảng đang phải vật lộn với việc thiếu nước tưới tiêu. |
Nằm ngay ven con sông Vu Gia và Thu Bồn nhưng những nông dân TX Điện Bàn chưa bao giờ dư dả nước tưới bởi cứ tới vụ hè thu là điệp khúc khô hạn, nhiễm mặn lại bắt đầu. Bà Nguyễn Thị Chúc (nông dân xã Điện Trung) cho biết chưa có năm nào nắng nóng kéo dài và gay gắt như năm nay. “Tôi gieo sạ 3 sào lúa được hơn 1 tháng nay, cây lúa lúc này đang cần nguồn nước để sinh trưởng mà cả ngày có khi đi tấn nước 3, 4 lần vẫn không có. Cứ như thế này nếu cầm cự được tới cuối vụ thì mấy sào lúa nhà tôi cũng mất mùa”. Không chỉ bà Chúc và nông dân xã Điện Trung mà hiện nay toàn TX Điện Bàn cũng đang phải đối diện với nhiễm mặn trầm trọng. Theo đó, số liệu mới nhất đo được thì nồng độ mặn trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Câu Lâu cũ là 20,3 phần nghìn, trên sông Vĩnh Điện, nồng độ mặn đo được tại khu vực ngã ba Vòm Cẩm Đồng là 3 phần nghìn và tại khu vực gần bể hút của trạm bơm Vĩnh Điện là 1 phần nghìn. Với số liệu nhiễm mặn như vậy các trạm bơm đều không thể vận hành vì độ mặn sẽ làm chết lúa non. Nông dân Điện Bàn hiện nay đang hy vọng vào đập ngăn mặn sẽ được xây dựng tạm từ nguồn kinh phí chống hạn của tỉnh cho những tháng cuối của vụ mùa.
Không còn hy vọng để tiếp tục chờ đợi như nông dân vùng hạ du, vùng trung du Quảng Nam mà cụ thể là H. Hiệp Đức đành chấp nhận bỏ hoang một số vị trí canh tác vì thiếu nước sản xuất. Theo ông Nguyễn Tấn Phát – Phó trưởng Phòng NN&PTNT H. Hiệp Đức thông tin, trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện hiện nay có tổng cộng 1.323ha đất canh tác lúa. Tuy nhiên, vụ hè thu 2019 này địa phương chỉ đưa vào kế hoạch gieo sạ 931ha, còn lại 392ha không thể bố trí sản xuất được vì nguồn nước tưới quá khan hiếm. Trong khi đó toàn huyện Hiệp Đức có 5 hồ chứa nước gồm An Tây, Bà Sơn, An Vang, Bình Hòa, Tam Bảo và 42 đập dâng, đập thời vụ nhưng từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, nắng nóng liên tục xuất hiện nhiều đợt kéo dài khiến mực nước của số hồ chứa tụt giảm nghiêm trọng không đủ cung cấp nước tưới cho toàn huyện.
Ông Mai Văn Tý (xã Sông Trà, H. Hiệp Đức) cho hay vụ mùa năm nay ông bỏ hẳn 4 sào đất vì không thể canh tác. “Tôi định lấy đất trồng cỏ cho bò vì biết chắc chắn cày lên cũng không có nước gieo sạ. Vậy mà cả tháng qua nắng nóng quá mức cỏ cũng không thể lên nữa, chết cháy hết cả. Bây giờ chỉ hy vọng trời cho cơn mưa, hồ đập có nước mùa sau làm lại vậy”, ông Tý than thở.
Thông tin từ Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến 3 hồ chứa thủy điện lớn ở phía thượng nguồn là Sông Tranh, A Vương, Đắk Mi 4... bị thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Tính đến ngày 2 - 7, mực nước trên sông Vu Gia tại khu vực trạm bơm Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) chỉ đạt cao trình 2,1m, giảm 0,4m so với mực nước thiết kế. Trên sông Thu Bồn, mực nước đo được tại trạm thủy văn Giao Thủy cũng chỉ đạt cao trình 0,4m, giảm 0,6m so với mực nước thiết kế.
Trước tình hình hạn hán còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương trực tiếp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc do hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn gây ra. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo sửa chữa các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
ĐỒNG DAO
Quảng Ngãi khô khát Hồ chứa nước Mạch Điểu ở H. Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ còn 35% dùng tích. |
* Cùng chung “hoàn cảnh” như nông dân Quảng Nam, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thông tin hiện lượng nước của các hồ trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 35% dung tích thiết kế; nhiều hồ chứa chỉ còn từ 10 - 15% dung tích thiết kế như hồ chứa Gia Hội, Mỹ Thanh, Hố Chuối (H. Bình Sơn); Hóc Sầm, Mạch Điểu (H. Mộ Đức); Sở Hầu, Diên Trường, Cây Sanh, Huân Phong (H. Đức Phổ),… Một số hồ chứa có dung tích trữ dưới mực nước chết như Phước Tích, Hòa Hải, Trung Tín (H. Bình Sơn); Hóc Cầy (H. Đức Phổ). Ngoài việc thiếu nước tưới tiêu thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. |