Quảng Nam “tiến thoái lưỡng nan” với Nhà máy thép Việt Pháp

Thứ tư, 19/07/2017 11:55

Người dân lại “phong tỏa" nhà máy

Người dân khối 7A dựng lều để ngăn không cho xe tải ra, vào NMTVP.

Hơn 10 ngày qua, hàng trăm người dân tại khối 7A, P. Điện Nam Đông, TX Điện Bàn (Quảng Nam) lại dựng lán trại, phân công người trực cả ngày lẫn đêm trước Nhà máy Thép Việt Pháp (NMTVP) chặn không cho xe chở nguyên liệu, thành phẩm ra vào nhà máy.

Ông Võ Như Quảng (1953, trú khối 7A) cho biết, do NMTVP nằm gần khu dân cư nên từ ngày đi vào hoạt động khiến hơn 500 hộ dân của thôn 7A phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Mỗi khi nhà máy vận hành thải khói đen mịt mù cộng với tiếng động ầm ĩ từ việc nhập và phân loại, xử lý thép. Không chịu nổi ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn người dân đã nhiều lần kéo đến công ty phản đối, lập rào chắn thay nhau chốt chặn, không cho xe tải nhập thép phế liệu vào nhà máy. Sau đó, các cơ quan chức năng địa phương đã gặp gỡ người dân và cùng công ty giải quyết vụ việc. Công ty hứa sẽ giảm công suất hoạt động và trồng thêm cây xanh để hạn chế ô nhiễm. Thế nhưng, khói bụi vẫn ồ ạt thải ra môi trường, nhuốm đen khu dân cư nên bất đắc dĩ người dân phải “phong tỏa” nhà máy để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2012 và 2014 người dân đã tổ chức “phong tỏa” để yêu cầu NMTVP có biện pháp khắc phục tình trạng khói, bụi trong quá trình sản xuất gây ra. Mỗi lần như vậy, người dân khối 7A lại được lãnh đạo nhà máy hứa hẹn và các cơ quan chức năng cũng đề ra nhiều biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục ô nhiễm chỉ được thực hiện nửa chừng nên mỗi khi nhà máy vận hành thì người dân phải sống chung với khói, bụi. Ông Lê Sơn (trú khối 7A) bức xúc: “Từ khi NMTVP đi vào sản xuất, người dân chúng tôi phải chịu khổ trăm bề. Do ống khói của nhà máy quá thấp nên khi vận hành lò đốt gây khói mù mịt, có mùi khét rất khó chịu. Ngoài ra, nước thải của nhà máy được xả thẳng ra hồ Nảy làm chết cá và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm...”.

Trước những bức xúc của người dân, ngày 17-7-2017, UBND thị xã Điện Bàn có buổi làm việc cùng đại diện nhân dân khối 7A. Tại cuộc gặp, lãnh đạo thị xã Điện Bàn đưa ra phương án di dời hơn 50 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng do ô nhiễm (những hộ chịu ảnh hưởng ít không di dời) song người dân không đồng tình vì lý do mảnh đất này đã gắn bó với họ từ nhiều đời nay và việc di dời sẽ gây xáo trộn đến cuộc sống…

Nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường với P.V.

Di dời lên thượng nguồn vẫn chưa ổn

Theo nguồn tin riêng của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, chủ trương di dời NMTVP lên địa bàn thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, Quảng Nam) đang tạm đình chỉ vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Được biết, lãnh đạo tỉnh đang cân nhắc thiệt hơn về việc xây dựng nhà máy trước khi có thông tin chính thức.

Như đã thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho Cty TNHH thép Việt Pháp di dời nhà máy luyện cán thép từ Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 (P. Điện Nam Đông) lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (H. Nam Giang). Theo Thông báo số 420/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam, địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng NMTVP tại thôn Hoa rộng 17,3ha, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên địa điểm nhà máy di dời đến lại là vùng thượng nguồn sông Vu Gia là nơi cung cấp nguồn nước chính cho cả TP Đà Nẵng và H. Đại Lộc (Quảng Nam) nên dự án này lại tiếp tục bị phản đối.

Trước quyết định về việc cấp phép xây dựng NMTVP trên thượng nguồn sông Vu Gia, nhiều cử tri H. Đại Lộc kiên quyết phản đối, đề nghị lãnh đạo tỉnh cân nhắc. Theo thông tin phản ánh từ các cử tri mặc dù đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, tỉnh đã phê duyệt nhưng những ảnh hưởng môi trường tiêu cực từ NMTVP tại TX Điện Bàn vẫn khiến số đông lo ngại. Theo các cử tri lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng bởi một khi đã di dời nhà máy lên vùng thượng nguồn nếu xảy ra ô nhiễm thì hậu quả khôn lường.

Trước đề nghị của cử tri H. Đại Lộc, UBND tỉnh Quảng Nam đã trả lời: Trước khi quyết định chính thức việc cho phép đầu tư nhà máy thép, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư NMTVP tại thôn Hoa tại Quyết định số 4048 ngày 16-11-2016. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cty TNHH thép Việt-Pháp đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; thông báo bằng văn bản gửi đến UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành để kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức. Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam thông tin Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu (không sử dụng quặng và than cốc). Công nghệ sản xuất sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép, nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Hiện nay tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư. Mặt khác cũng đang xem xét lại về chủ trương di dời nhà máy.

M.THI - Đ.DAO