Quảng Nam tìm cách đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao

Thứ tư, 23/02/2022 13:21

Hai dự án NƠXH đang xây dựng tại Quảng Nam. 

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã và đang trở thành địa phương thu hút số lượng lớn người lao động trong và ngoài tỉnh. Nhiều người sau một thời gian xa xứ đã trở về quê hương để "an cư lạc nghiệp". Các khu công nghiệp lớn, như Điện Nam - Điện Ngọc, Kinh tế mở Chu Lai hoặc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương đã tạo việc làm cùng thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn công nhân. Với nguồn thu nhập từ đồng lương công nhân, việc tạo dựng một "cơ ngơi" riêng đối với họ chỉ là niềm mơ ước xa vời. Vì thế, việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người lao động khó khăn đang trở thành vấn đề cấp thiết tại Quảng Nam. 

Theo các chủ doanh nghiệp, việc đầu tư vào NƠXH bao giờ cũng mang lại hiệu quả kinh tế thấp, dễ gặp rủi ro so với các dự án tái định cư theo hình thức phân lô, bán nền. Ngoài ra, khi công trình được hoàn thiện còn phụ thuộc vào nhu cầu và số lượng đăng ký mua, thuê NƠXH. Nếu xét về hiệu quả kinh tế thì dự án NƠXH không đáng để đầu tư, bởi thu nhập của đối tượng mua nhà còn quá thấp, đa số các đối tượng thuộc diện được mua NƠXH đều khó khăn về nguồn vốn tự có, phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, với những sản phẩm ở phân khúc thấp như NƠXH, chủ đầu tư khó hạ giá thành sản phẩm để đáp ứng khả năng tài chính của đối tượng mua nhà và 10% lợi nhuận sau đầu tư không bù đắp đủ chi phí quản lý, bán sản phẩm để thu hồi vốn... Ngoài ra, để doanh nghiệp đầu tư các dự án NƠXH đòi hỏi phải có một số chính sách ưu đãi từ chính quyền địa phương, như: hỗ trợ đất sạch, cơ chế mua lại nếu sản phẩm làm ra không được thị trường tiêu thụ hết… Thế nhưng những điều kiện trên tại Quảng Nam vẫn chưa sẵn sàng.   

Theo tìm hiểu, ngoài việc lợi nhuận thấp, tính rủi ro cao… điều làm các doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư vào các dự án NƠXH là do nhà đầu tư và người tiêu dùng khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các thủ tục, như: phê duyệt dự án, duyệt giá bán, xét đối tượng mua nhà… của các cơ quan chức năng vẫn còn rườm rà, chậm trễ đã ảnh hưởng tới hiệu quả dự án. Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện tại Điện Bàn có 5 khu nhà ở thu nhập thấp do quỹ đầu tư của tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư song vẫn không đáp hết nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào các dự án NƠXH vì đối tượng được mua nhà, giá bán sản phẩm đều qua khâu "duyệt", khống chế của cơ quan chức năng nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp so với các dự án bất động sản.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, quan điểm của Tam Kỳ là tập trung nâng cao chất lượng, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, thu hút được các dự án có giá trị công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường. Song song với thu hút đầu tư, địa phương chú trọng đến việc giải quyết chỗ ở cho người lao động. Hiện tại, địa phương đã đề xuất với tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng khu NƠXH tại P. An Phú với quy mô 2,6ha  theo hình thức kêu gọi nhà đầu tư hoặc đầu tư công trong năm 2022. Đối với việc kêu gọi thu hút đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị địa phương cũng quy định bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để đầu tư NƠXH và đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn, bố trí đầu tư công, xây dựng cơ chế đặc thù cho loại hình này để phục vụ nhu cầu về nhà ở những đối tượng thu nhập thấp, công nhân…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương rà soát tổng hợp danh mục đề xuất của các địa phương, hoàn thiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 sớm trình UBND tỉnh xem xét. Ngày 5-2-2022, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công văn số 862 về việc tiếp tục triển khai thực hiện, thu hút đầu tư phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Tại công văn, ông Trần Anh Tuấn- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao sở Xây dựng xem xét, thực hiện việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền xem xét các hồ sơ, thủ tục để ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất, lồng ghép, bố trí các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định. Riêng những chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không trực tiếp xây dựng NƠXH phải bàn giao quỹ đất hoặc nguồn kinh phí từ tiền sử dụng đất cho địa phương để triển khai. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng… 

Hy vọng, với những chủ trương đúng đắn cùng những biện pháp "mạnh" mang tính khả thi, Quảng Nam sẽ sớm giải quyết "cơn sốt" của người tiêu dùng về NƠXH, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho công nhân, người có thu nhập thấp có nơi ở ổn định.     

M.T