Quảng Ngãi: Khủng hoảng chỗ neo trú tàu thuyền

Thứ bảy, 23/11/2019 16:57

Hàng chục bến cá tự phát, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Châu   (H. Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) ngay dưới chân cầu không bảo đảm ATGT đường thủy. Trong ảnh: Ngư dân phải neo tàu thuyền vào chân cầu Thạnh Đức.

Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ định là Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á và Sa Huỳnh đều bị bồi lấp, tàu cá ra vào dễ gặp sự cố. Chính vì vậy đã xuất hiện nhiều cảng, bến cá tự phát gây thiệt hại tới ngành thủy sản của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Sáu ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã có trên 50 năm làm nghề đánh bắt cá. Trong mùa mưa lũ này cũng như mọi năm là lúc ông Sáu và hàng trăm ngư dân tại đây lại càng nơm nớp nỗi lo tránh bão. “Phải chi giống Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định cảng nó đạt chuẩn chứ cực chẳng đã mới phải neo ở đây”, ông Nguyễn Sáu chia sẻ thêm.

Cảng cá Sa Huỳnh được triển khai từ năm 2002, với nguồn kinh phí đầu tư gần 49 tỷ đồng. Năm 2005 dự án hoàn thành giai đoạn 1, ngư dân chưa kịp vui mừng thì sau hơn một năm cửa biển đã bị bồi lấp trở lại. Luồng cửa lạch chính trước đây có độ sâu bảo đảm cho tàu thuyền ra vào cập cảng thuận lợi thì nay đã bị đê biển lấn chiếm. Mỗi lần sóng đánh vào bờ gặp đê biển tạo thành một dòng nước xoáy mạnh mang theo cát đã lấp dần cửa biển. Nhiều tàu có công suất lớn ra vào bến bị nạn liên tục, gây thiệt hại cho ngư dân... Ông Võ Thuận, cũng là ngư dân ở xã Phổ Thạnh, H. Đức Phổ, bức xúc: “Hàng năm cửa biển bị bồi lấp lại thêm bị đê biển lấn chiếm nên mỗi lần tàu cá của chúng tôi đi ra cũng không được mà đi vô cũng không được”.

Tình trạng khủng hoảng chỗ đậu đến nỗi ngư dân phải đánh liều buộc thuyền neo vào chân cầu Thạnh Đức gần đó, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, gây sập cầu bất kỳ lúc nào. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở nhưng đâu lại hoàn đấy. Cung không đủ cầu đã dẫn tới việc xuất hiện hàng chục bến cá tự phát, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi... Điển hình cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, vốn là cảng không thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, lại trở thành trọng điểm mua bán hải sản và các nhu yếu phẩm cho ngư dân. “Mỗi lần sau khi ra khơi đánh bắt cá trở về, tàu cá chúng tôi vào các bến này dễ buôn bán và thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Hiền Lê Anh, Thuyền viên tàu QNG90539 nói.

Nếu như không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, theo Luật Thủy sản năm 2017, cả 4 cảng cá ở Quảng Ngãi sẽ chỉ được phép hoạt động đến ngày 30-9-2020. Do đó, việc khắc phục vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chứ không phải của riêng ngành thủy sản.

TRUNG THÀNH