Quảng Trị có hy vọng gì ở cây cao su?

Thứ hai, 18/09/2017 06:30

Cơn bão số 4 đổ bộ vào Quảng Trị gần cuối tháng 7–2017 vẫn để lại dấu tích ngổn ngang trên những vườn cao su của H. Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đa phần cây ngã đổ bị cưa đợt đó chỉ vừa nhú chồi, chờ phục hồi. Thế nhưng, sau cơn bão số 10, nó cũng trở nên trơ trọi bởi vô số cây cối bên cạnh đã bị “nhổ” bật gốc la liệt, khả năng cứu vãn tiến về 0.

Người dân trồng cao su điêu đứng sau bão.

Trước khi về xã Vĩnh Trung, một địa bàn gần biển bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 10, chúng tôi lại ngược lên xã Vĩnh Thủy, nơi hơn 1 tháng trước đã xót xa chứng kiến nỗi lo lắng của người dân trước bạt ngàn cao su bị hư hại. Phó Chủ tịch UBND xã Võ Đức Diện đưa chúng tôi lên thôn vùng gò đồi chuyên trồng cao su của xã. Tiếng máy cưa ồn ĩ đốn hạ cây gãy vẫn không át được không khí ảm đạm do thiệt hại quá nặng nề. Cả xã có trên 1.000 ha thì số gãy, đổ đã chiếm 600ha.

Tại thôn Thủy Ba tây, chúng tôi đều được bà con chỉ đến vườn cao su vợ chồng ông Hoàng Văn Dưỡng. “Cao su ông Dưỡng bị nặng lắm, bão “trảm” gần hết rồi”, chị Võ Thị Thanh nói trong nước mắt dù cao su nhà chị cũng mất gần 300 cây, xấp xỉ 1ha. Nếu như lần gặp trước, vợ chồng ông Dưỡng thất thần với hơn 200 cây cao su bị “bứng” gốc và “bẻ” thân thì đợt này cây đổ la liệt, tan hoang hơn thế.

Bà Cẩm (vợ ông Dưỡng) cho hay từ khi mạnh dạn làm bạn với cây cao su đã đưa gia đình thoát nghèo, thu nhập có thể đếm hàng ngày. Thế nhưng, rủi ro do thiên tai thì không thể lường được. Khi hỏi dự định tương lai sau tan hoang do bão, vợ chồng ông Dưỡng và nhiều người phút chốc có phần lưỡng lự nhưng rốt cuộc họ vẫn thốt ra mong muốn từ đáy lòng.  “Mình có sẵn kỹ thuật, nếu bỏ cây cao su thì tiếc lắm. Với lại biết trồng cây chi thay thế chừ?”, ông Dưỡng ngầm khẳng định sẽ tiếp tục với sự nghiệp chinh phục “vàng trắng” trên vùng gò đồi Vĩnh Linh.

Chủ tịch UBND xã Phan Ngọc Khoa cho hay do đặc điểm thổ nhưỡng, đất cứng nên gần như cao su Vĩnh Trung đều bị bão “chặt” gãy ngang thân chứ không mấy cây nghiêng ngả để có thể dựng lại phục hồi như vùng khác. Vĩnh Trung có 600 ha cao su nhưng gãy đến 80% diện tích, coi như mất trắng. Nhiều vườn cây chỉ còn lại cảnh trống trải, chua xót. “Có nhà mất gần 1.200 cây, tương đương 3ha”, anh Nguyễn Văn Nam xã Vĩnh Trung cho biết thêm. Ngay tại địa bàn này, còn 20 ha tiêu cho thu hoạch cũng “bay” theo gió bão. Đặc biệt, 22 ha lúa bị ngập đang cần thu hoạch gấp.

Được biết, đợt bão vừa qua, cả tỉnh có hơn 3.200 ha cây cao su và tiêu bị thiệt hại thì Vĩnh Linh đã “hứng” gần 2.300 ha. Gần đây, người dân trên địa bàn đang thử nghiệm trồng sầu riêng và có khả năng cho tương lai khả quan, một phần khác nhận thấy cây tiêu “trụ” lại với bão khá hơn cao su. Nhưng ai cũng hiểu việc chuyển đổi cây trồng không thể tự ý, tự phát, có chủ trương, hướng dẫn rõ ràng. Vẫn biết dân vùng nghèo khó rất kiên cường và đầy lạc quan nhưng đến lúc phải nhìn thẳng vào thực tế, cần có nghiên cứu sâu về tương lai cây cao su ở những vùng chịu bão.

BẢO HÀ