Quanh câu chuyện rác và thịt bẩn
Khoảng 100 tấn rác tấp vào bãi biển Nguyễn Tất Thành và gần 15 tấn thịt bẩn bốc mùi được phát hiện tại một nhà kho trên địa bàn Q. Cẩm Lệ có lẽ là hai câu chuyện được quan tâm hàng đầu của Đà Nẵng trong tuần qua.
Nghĩ đi nghĩ lại, giả dụ nó xuất hiện ở một địa phương khác chắc không đến nỗi “nóng” như vậy, nhưng vì Đà Nẵng vốn là một từ khóa nổi bật, lại gắn với chương trình thành phố môi trường, thành phố 4 an, nên dư luận, đặc biệt là báo chí dành sự quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, nhiều đồng nghiệp cùng quan điểm với tôi rằng, ngoài vấn đề hiện tượng đã rõ thì vẫn cần một cái nhìn biện chứng để hiểu hết bản chất của câu chuyện.
Ở giữa thành phố đang phấn đấu thực hiện đề án quản lý an toàn thực phẩm với nhiệm vụ đảm bảo bữa ăn của người dân phải sạch mà xuất hiện những lò nội tạng động vật bốc mùi, cơ sở làm giá đỗ, làm bắp chuối bằng chất tẩy trắng, dùng hàn the bảo quản chả, dùng chất vàng ô làm dưa muối, măng chua... thì rõ ràng đề án chưa thể thành công. Cần nhớ rằng, năm ngoái Đà Nẵng có đến hàng chục cuộc họp để triển khai từng “hợp phần” của đề án như quản lý quy trình từ trang trại đến bàn ăn, siết chặt thức ăn đường phố, lập tổ công tác chuyên biệt cũng như thực hiện nhiều cuộc “đột kích” giữa đêm khuya để bắt tận tay, day tận trán kiểu làm ăn bất chính. Nhưng rồi thời gian qua, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn có vẻ đang khựng lại giữa dòng khi nhiều người cho rằng thành phố đang thiếu một tư lệnh phụ trách lĩnh vực này.
40 ngày trước, mưa to gió lớn nhưng chỉ trong vòng một ngày trời, cuộc ra quân thần tốc của các cơ quan chính quyền và người dân, hàng trăm tấn rác tấp vào bãi biển du lịch tại Q. Sơn Trà cùng nhiều con phố chính đã được dọn sạch để thành phố đón những thượng khách APEC. Vậy thì vì sao 100 tấn rác được cho là ảnh hưởng của cơn bão số 12 tấp vào bãi biển Nguyễn Tất Thành trong nhiều ngày trời lại chưa xử lý hết. Mưa bão đã đi qua rất lâu rồi cơ mà? Chẳng lẽ hàng cây số bờ biển ngập rác như vậy dồn hết lên vai của công nhân môi trường đô thị? Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường, chính quyền Q. Thanh Khê, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch chẳng lẽ đứng ngoài cuộc?
Vì sao Đà Nẵng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc thực phẩm bẩn? Rõ ràng có mạnh tay, có quyết liệt tuyên chiến thì mới phát hiện được để xử lý. Có ai dám chắc rằng ở những địa phương khác không có chuyện này vì không có cơ sở nào, vụ việc nào được phát hiện, xử lý? Nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng từ các địa phương khác bị chặn ở bến xe, các cửa ngõ vào thành phố, không để tiêu thụ ra thị trường cũng chứng tỏ rằng lực lượng chức năng cũng đang rất quyết tâm. Còn cả trăm tấn rác trên bãi biển Nguyễn Tất Thành vốn là “tổ hợp” rác từ các cống xả trong các khu dân cư cộng với một lượng lớn từ thượng nguồn đổ về đã khiến công nhân môi trường đô thị không thể dứt điểm trong ngày một ngày hai. Nhiều người nghe qua, cứ tưởng đâu một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh đang bị uy hiếp. Nhưng kỳ thực, bãi biển Nguyễn Tất Thành cứ có mưa lớn là có rác do hệ thống máy lược rác, cống xả thu gom nước thải từ các khu dân cư tập trung ra cuối sông xử lý không kịp.
Đà Nẵng trở thành từ khóa “nóng” do nhận được nhiều sự quan tâm, mà phần lớn chắc là tình yêu đối với thành phố này. Có lý giải thì cũng để nhìn nhận mọi câu chuyện từ nhiều góc độ, cho thỏa đáng, chứ không phải biện minh. Nhưng nói gì thì nói, đó cũng là những lời cảnh báo, nếu các chủ trương không được thực hiện quyết liệt tới cùng. Trong đó, lĩnh vực môi trường và an toàn thực phẩm hiện đang có những dấu hiệu đáng lo ngại.
CÔNG KHANH