Quê nghèo lại rúng động vì vỡ nợ nông sản

Thứ ba, 13/03/2018 17:56

Ngay từ rạng sáng 12-3, hàng trăm người dân ở các xã của H. Ia Grai (Gia Lai) kéo đến kho hàng và nhà riêng của Giám đốc Cty TNHH MTV Hoàng Sang khi nghe tin Cty tuyên bố vỡ nợ. Nhiều người dân bức xúc, đau đớn khi nông sản ký gửi, mua bán tại đây đã không thể lấy tiền. Điều đáng lo ngại sẽ kéo theo vỡ nợ dây chuyền khi nhiều đại lý thu mua, ký gửi nông sản nhỏ khác cũng tham gia mua bán với Cty này.

Ông Cao Xuân Bình đưa các giấy tờ nhập ký gửi 20 tấn cà-phê tươi cho Cty Hoàng Sang.

HÀNG TRĂM NGƯỜI DÂN LÀ NẠN NHÂN

Được xem là một trong những Cty thu mua, ký gửi nông sản lớn ở H. Ia Grai, thế nên khi giám đốc Cty TNHH MTV Hoàng Sang (địa chỉ tại TPD 1, TT Ia Kha, H. Ia Grai, Gia Lai) tuyên bố vỡ nợ người dân, đại lý thu mua, ký gửi nông sản khác như ngồi trên đống lửa. Bức xúc, tiếc của nên nhiều người dân đã lao vào căn nhà của Giám đốc Cty là bà Thái Thị An (TDP 1, TT Ia Kha, H. Ia Grai) lấy những gì còn sót lại: đôi bộ bàn ghế, cánh cửa... Ông Cao Xuân Bình (TT Ia Kha) ở gần nhà bà An, kể: “Tôi là hàng xóm của bà An mà có biết gì đâu. Sáng sớm đã thấy người ta lao vào nhà bà An lấy tủ, cánh cửa để xiết nợ. Lúc đó mới vỡ lở chuyện Cty bà An tuyên bố vỡ nợ. Vụ cà-phê năm nay ki cóp, bỏ công sức cả năm mới được khoảng 20 tấn cà-phê tươi khoảng 200 triệu đồng đều ký gửi vào Cty bà An, giờ coi như mất trắng. Năm nay chưa biết sống thế nào đây”.

Nhiều người dân tụ tập ngay trước căn nhà mặt tiền đường Hùng Vương (TT Ia Kha) của bà An trông ngóng nhưng cũng đành vô vọng vì trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Cách đó khoảng 1km là kho nông sản của Cty này rộng hàng nghìn mét-vuông cũng bị người dân, chủ nợ và cả ngân hàng vây kín. Con đường từ Tỉnh lộ 664 dẫn vào kho hàng chật kín đủ loại phương tiện từ xe máy đến ô-tô tìm đến khi nghe tin bà An tuyên bố vỡ nợ. Anh Huỳnh Tấn Đạt (trú thôn 2, xã Ia Tô, H. Ia Grai) bức xúc đứng lớn tiếng bên ngoài cánh cửa sắt khóa kín khi nhìn vào bên trong các kho chứa nông sản đã trống trơn, chủ Cty thì gọi điện vẫn không bắt máy. “Tôi làm đại lý thu mua điều để nhập cho Cty 3-4 năm nay. Năm vừa rồi điều được giá tôi vay mượn 1 tỷ đồng đi thu mua của người dân rồi nhập về cho Cty. 35 tấn điều vừa mới nhập được 10 ngày nay, bà An xin ít hôm rồi thanh toán. Ai ngờ chưa được đồng nào thì bà tuyên bố vỡ nợ, giờ lấy gì để trả đây” - anh Đạt đau đớn.

Người bức xúc, người đau đớn không nói nên lời đứng ngóng trong tuyệt vọng phía trước cửa. Ngồi thu một mình nơi góc tường, nước mắt lưng tròng trên gương mặt khắc khổ, chị Đinh Thị Sửu (trú TPD 2, TT Ia Kha) vẫn không tin chuyện đang xảy ra. Không chồng nhưng có 2 đứa con, gia đình thuộc hộ cận nghèo, bao nhiêu năm làm mướn tích cóp được bao nhiêu giờ tay trắng. “Tôi vừa mới vay 50 triệu đồng tiền chính sách hộ cận nghèo để phát triển kinh tế cùng với 20 triệu đồng tích cóp bấy lâu nay khi đi làm mướn cho người ta. Năm vừa rồi tôi dùng số tiền trên đi mua 1,7 tấn cà-phê nhân rồi ký gửi vào đây, chờ cà-phê lên giá để cắt giá bán mong kiếm lời ít đồng. Ai ngờ được! Giờ ra nông nỗi thế này vốn liếng đi hết rồi. 2 đứa con đang ăn học chắc cũng phải nghỉ giữa chừng thôi chú ơi!” - chị Sửu nghẹn lời.

NGUY CƠ VỠ NỢ DÂY CHUYỀN

Ngay sau khi thông tin Cty TNHH MTV Hoàng Sang vỡ nợ, lực lượng chức năng H. Ia Grai có mặt tại hiện trường đảm bảo ANTT, tránh để trường hợp xấu có thể xảy ra. Đồng thời, giải thích, tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. CAH Ia Grai cũng đã lấy lời khai, thu thập các giấy tờ liên quan của người dân, chủ nợ ký gửi, mua bán với Cty này. Dù chưa có con số đầy đủ nhưng theo phản ánh của người dân, số tiền Cty này còn nợ của người dân, đại lý khác hàng chục tỷ đồng. Qua tìm hiểu, Cty TNHH MTV Hoàng Sang kinh doanh mặt hàng nông sản nhiều năm nay và làm ăn khá uy tín. Thế nên, việc Cty tuyên bố phá sản, vỡ nợ khiến người dân thấy bất thường.

Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan CA trong sáng 12-3, chỉ mới có một số người dân có đơn hoặc trình báo việc phía Cty còn nợ khoảng 200 tấn cà-phê nhân, 18 tấn điều và 1 tỷ đồng. “Hiện cơ quan CA vẫn đang thông báo, hướng dẫn người dân trình báo để có thống kê con số đầy đủ. Qua đó có những biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân” - Thượng tá Dương Thanh Tuấn - Phó trưởng CAH Ia Grai cho biết thêm.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại hơn là khi Cty này tuyên bố vỡ nợ kéo theo sự việc vỡ nợ dây chuyền khác gây mất ANTT ở địa phương này. Bởi qua tìm hiểu của chúng tôi, có mặt tại trước cửa Cty có khá nhiều người đứng ra làm đại lý thu mua nhỏ ở các xã của H. Ia Grai. Theo phản ánh của người dân, người bị bà An nợ nhiều nhất là vợ chồng bà Th. (trú thôn Thị Tứ, xã Ia Krái, H. Ia Grai) khoảng 8 tỷ đồng khi ký gửi vào đây hơn 210 tấn cà-phê nhân. Vợ chồng bà Th. cũng là đại lý thu mua, ký gửi nông sản lớn trên địa bàn xã Ia Krái, thế nên trước việc tuyên bố vỡ nợ của bà An, cả 2 vợ chồng đều có mặt tại đây. Dù cứng rắn đến đâu, ông Th. cũng đau đớn nước mắt chảy dài trên gò má, người vợ cứ ôm chồng nấc nghẹn khi nguy cơ vỡ nợ chính đại lý của 2 vợ chồng. Bởi toàn bộ số cà-phê trên cũng là tài sản của người dân ký gửi vào đại lý của vợ chồng bà Th.

Đặc biệt, nạn nhân của vụ vỡ nợ trên nhiều nhất vẫn ở xã Ia Tô (H. Ia Grai) khi nhiều người đứng ra làm đại lý thu mua nông sản rồi ký gửi, mua bán với Cty TNHH MTV Hoàng Sang này. Chị Trần Thị Thanh Lan (thôn 3, xã Ia Tô) chua xót: “Tôi vừa mới vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng để làm đại lý thu mua, ký gửi ở xã rồi ký gửi vào đây để kiếm lời. Ai ngờ hơn 18 tấn cà-phê nhân ký gửi vào đây giờ không còn một hạt. Chắc gì đã lấy được tiền! Nước này thì cũng phải bán nhà để trả tiền cho người dân đã ký gửi vào mình thôi”.

Bên cạnh đó, điều đáng nghi ngờ khi người dân cho biết, trong vụ cà-phê năm nay, giá cà-phê rất bấp bênh nhưng Cty của bà An đều thu mua, nhận ký gửi hết. Chưa kể, giá bà An thu mua còn cao hơn 100-200 đồng/kg so với giá thị trường và không khắt khe trong việc kiểm tra độ ẩm, tạp chất nên nhiều người đã ký gửi, bán vào đây. Thời điểm tuyên bố vỡ nợ, phá sản, trong kho bãi là nơi thu mua, ký gửi hàng trăm tấn cà-phê nhân, điều của người dân đã không còn một hạt nào. Vợ, chồng, con cái bà An. cũng không xuất hiện ở địa phương. Số ĐTDĐ của bà An vẫn liên lạc được nhưng bà An cũng không cho biết mình đang ở đâu.

Câu chuyện vỡ nợ nông sản đã không còn mới ở các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, năm nào cũng có đại lý thu mua, ký gửi nông sản tuyên bố vỡ nợ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cho người dân lẫn địa phương. Bao nhiêu tài sản, nông sản tích cóp của người dân bỗng “biến mất” chỉ sau lời tuyên bố phá sản của đại lý, Cty kinh doanh mặt hàng này. Và khổ nhất, thua thiệt nhất vẫn là người nông dân “một nắng, hai sương” khi cuộc sống của gia đình trông chờ vào cả vụ mùa nông sản!

MINH TÂN