Quê nhà ở lại
Sau Tết, khoảnh khắc buồn nhất của mỗi người là khi mở miệng nói câu: "Má ở lại, con đi, thong thả con lại về!". Rồi khi chiếc xe rồ máy, khoảng sân quen mấy hôm Tết còn chạy nhảy, nói cười, quét tước… lùi lại phía sau lưng. Bóng má và đám trẻ con quệt nước mắt cũng mờ xa.
"Thong thả con về" như một lời hẹn ước để người ở nhà tin rằng người xa quay trở lại, để người đi biết rằng có người ở nhà mỏi mắt đợi trông. Nhưng đâu phải ai cũng sẽ quay về khi "thong thả", bởi hành trình phía trước vẫn còn lắm gian nan. Có người sẽ về khi mai vàng chưa nở, cũng có người lỡ hẹn một mùa xuân chưa trở lại chốn yên bình…
Những ngày về quê chóng vánh quá, mấy ngày Tết trôi nhanh như một cơn gió làm cho người ta mơn man thịt da, dịu êm kỳ lạ vài hôm rồi gió chợt biến mất khiến cho người hẫng hụt, xốn xang buồn. Mới hôm nào, những đứa con vì cuộc mưu sinh đành phải lang bạt xa xứ, ràng buột chiếc va li vải, ít cành mai đào hay những gì có thể mang được từ thành phố về, hân hoan trên con đường về nhà đầy hoa nở. Đường về nhà luôn đẹp! Miệng cứ ríu ran những câu hát đã thuộc từ thuở còn đi học cấp hai. Có lẽ vì sắp được trở về mái nhà yêu thương, nơi có ba có má, có ông bà lưng còng tóc bạc vẫn mỏi mắt ngóng trông, nên ai cũng thấy lòng mình sung sướng. Thế mà hôm nay, khi mai vẫn còn bung nở trước sân nhà và nhạc xuân vẫn còn rình rang bên kia sông, thì những đứa con lại phải rời xa xóm nhỏ êm đềm tiếp tục cuộc hành trình lắm may nhiều rủi.
Đường về nhà bao giờ cũng gợi nhiều xúc cảm. Bao lần đi trên con đường ấy, bao lần về tới chiếc cầu có bóng cây phượng lòa xòa, tim tôi vẫn một nhịp đập yêu thương, hạnh phúc. Thấy bóng cây phượng già là thấy cả một trời quê hương! Cây phượng đón tôi, ngả bóng như một lời chào khi tôi trở về và rồi tỏa bóng tiễn tôi tiếp tục chặng đường phía trước. Từ khi tôi nhận thức rằng, đời người có được bao chuyến về nhà, có được bao lần nhìn thấy đủ mặt ông bà, ba má, anh em đứng trước hàng hiên đón đợi người xa, thì đường về nhà đã không còn xa xôi nữa. Tôi nhớ đêm cuối cùng ngồi lại với bà với má, ngoài sông có con bìm bịp kêu sương chiều những ngày mùng cuối cùng của Tết, tôi đã cố mở lòng mình ra để lưu giữ hết những khoảnh khắc ấm áp đó, khi mình còn ở đó. Ngày mai, khi trời tờ mờ sáng, tôi sẽ lại lên đường với mớ ký ức bộn bề những ngày ở quê, những ngày đoàn tụ, sum vầy. Ký ức đó sẽ là hành trang, là động lực để tôi tiếp tục cố gắng những ngày cô đơn giữa thành phố.
Khi đã đủ trưởng thành, người ta thường ước mong những chuyến trở về, và rồi lại ngại những chuyến đi xa, sợ nhìn má đứng cầm nón lá vẫy theo tiễn chân người xa, sợ khi trở lại quê nhà sẽ thiếu vắng một người nào mình thương mến…
Trên con đường rời quê hương xứ sở, tôi đã suy nghĩ biết bao điều. Con đường bụi mù và sông dài quạnh quẽ sau Tết. Nắng vàng trời xanh tiễn bước chân tôi. Vòng bánh xe quay đều đưa người đi xa, bỏ lại quê nhà những yêu thương dang dở. Tôi nghĩ về má, về bà, về những nụ cười ngất ngây những ngày Tết ấm và rồi nước mắt chứa chan tự bao giờ. Tôi biết rằng, dù mình có đi đâu, đi bao lâu thì ở quê vẫn luôn có người đón đợi mình về. Và dù mình có đi bao nơi thì cuối cùng cũng chỉ có một nơi để trở về, một nơi mà mình thấy hạnh phúc thực sự. Nơi đó là quê hương! Nơi đó là nhà!
Tản văn: Hoàng Khánh Duy