Quê tôi lên... phố!

Thứ năm, 29/06/2023 15:21
Ngày 2-4-2023, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức công bố Nghị quyết số 727 ngày 13-2-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương. Từ nay, quê tôi đổi tên gọi từ xã sang phường, phố...
Giờ đã trở nên phố xá, với đủ các loại hình kinh doanh thương mại.
Những con đường làng của các xã Điện Minh, Điện Phương... ngày nào.

Ông Phạm Bê (1954), trú P. Điện Minh hồ hởi khoe: “Xưa nay, dân ở xã, ở làng ra chốn thị thành bị người khác gọi là… nhà quê. Nay thì có đi đến đâu chăng nữa cũng không còn bị xem là… dân quê ra phố nữa rồi!”.

Thật vậy, đấy là giấc mơ từ rất lâu của người dân quê tôi. Bởi, chỉ cần mấy bước chân là đến trung tâm thị xã Điện Bàn song với danh xưng là xã nên dù có đời sống xã hội có nhiều đổi thay, phát triển hơn nhiều địa phương khác song đến đâu chúng tôi vẫn bị xem là “nhà quê”. Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc thành lập các phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương là yêu cầu cấp thiết, đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển chung đô thị Điện Bàn hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp, đặc biệt giúp Điện Bàn hoàn thiện các tiêu chí, tạo điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030.

Một địa phương được xem là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Quảng Nam, với nhiều tiềm năng về kinh tế - văn hóa - xã hội cùng với tốc độ đô thị hóa một cách nhanh chóng song với quy mô hành chính cấp xã đã phần nào kìm hãm sự phát triển tại một số địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, nếu xét về địa giới hành chính, cơ cấu dân số… thì 5 địa phương vừa được chuyển đổi từ xã lên phường không có gì thay đổi song xét về một số khía cạnh thì việc thay đổi về tên gọi sẽ tạo “điều kiện” cho một sự thay đổi lớn về hạ tầng cơ sở, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tư duy... Đây cũng là đòn bẩy để các địa phương định hướng, thay đổi cơ cấu về kinh tế, khởi đầu cho chặng đường phát triển mới.

Nhìn lại chặng đường 8 năm trước từ ngày được công nhận lên thị xã, Điện Bàn đã có những bước chuyển biến tích cực về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng về giá trị công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng về tỷ trọng lao động phi nông nghiệp. Thị xã đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất năm ước đạt 23.774 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 10,16% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng trưởng cao, ước đạt 17.443 tỷ đồng và giá trị công nghiệp ước đạt 15.362 tỷ đồng.

Giờ đã trở nên phố xá, với đủ các loại hình kinh doanh thương mại.

Lần này với việc công nhận thêm 5 xã lên đơn vị hành chính cấp phường cũng là dấu ấn quan trọng, là cột mốc mở đầu cho giai đoạn mới để Điện Bàn tập trung xây dựng một đô thị trẻ năng động và phát triển.

Ông Trần Văn Thu - Chủ tịch UBND P. Điện Phương cho biết, so sánh với những địa phương khác, hạ tầng đô thị Điện Phương tương đối hạn chế. Vì vậy, trở thành phường giúp địa phương thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại, dịch vụ, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân... Theo đó, P. Điện Phương sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông theo trục Đông - Tây giữa 2 di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn và qua đó giúp địa phương quảng bá 2 sản phẩm đặc trưng là bò tái Cầu Mống, mì Quảng Phú Chiêm đến du khách trong và ngoài nước. Tương tự, ông Lê Tự Đợi - Chủ tịch UBND P. Điện Thắng Trung cũng cho rằng đây là cơ hội để địa phương đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Với mỗi dự án được cấp phép đầu tư không chỉ giúp thay đổi diện mạo mà còn tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phi nông nghiệp để P. Điện Thắng Trung dần trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ chung cho 3 phường có cùng tên gọi Điện Thắng. Cụ thể, hiện tại cơ cấu kinh tế của Điện Thắng Trung có sự thay đổi rõ nét theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại-dịch vụ, sản xuất nông nghiệp chỉ còn 5,6% và đấy cũng là hướng đi của nhiều địa phương khác tại Điện Bàn hiện nay.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về kiến trúc đô thị việc phát triển các khu đô thị mới tại 5 phường vừa thành lập xung quanh tuyến QL1A đi qua Điện Bàn cần có những định hướng cụ thể, làm thế nào quy hoạch các khu dân cư mới được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất tạo thành chuỗi liên kết vừa đảm bảo về mặt mỹ thuật nhưng đảm bảo các tiêu chí khác, như: thoát nước, vệ sinh môi trường… Tránh việc quy hoạch theo kiểu “da beo” như đã thực hiện tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Theo ông Trần Hải Vân - Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn, việc thành lập 5 phường mới ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Điện Bàn còn phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và Quảng Nam đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Theo đó, thị xã Điện Bàn lấy khu nội thị gồm 12 phường, khu vực phía Đông sông Cổ Cò ra đến biển được quy hoạch thành trung tâm du lịch biển, du lịch - thương mại; khu vực phía Tây sống Cổ Cò phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại. Khu vực ngoại thị gồm 8 xã, lấy thị tứ Phong Thử làm trung tâm để giao lưu, trao đổi các sản phẩm từ nông nghiệp và dịch vụ khác. Đây cũng là cơ hội để Điện Bàn phát triển về kinh tế, văn hóa theo hướng có chiều sâu, bộ máy chính quyền ngày càng được hoàn thiện, vững mạnh, đời sống người dân không ngừng được nâng lên...

Tuy nhiên, cơ hội nhiều thì thách thức cũng càng lớn. Có nghĩa, năng lực, trách nhiệm của từng cán bộ phải được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu công tác... Một khía cạnh khác cần đề cập là khi nền kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại-dịch vụ cũng là điều kiện để các loại tội phạm gia tăng về số lượng và tinh vi hơn về thủ đoạn phạm tội. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Công an phải tăng cường công tác phòng ngừa, tổ chức đấu tranh ngăn chặn hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Hy vọng, việc 5 đơn vị hành chính được nâng lên cấp phường sẽ mở ra những cơ hội mới để thị xã Điện Bàn bứt phá, trở thành trung tâm về kinh tế - xã hội tại khu vực phía Bắc Quảng Nam và đời sống người dân càng ngày được cải thiện theo hướng tốt hơn...

VĂN THI