Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển Đông
(Cadn.com.vn) - Chiều 26-6, phát biểu tại lễ bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác.
Ngay sau phiên bế mạc, chiều 26-6, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký Kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo quốc tế, thông báo những nội dung chính của Kỳ họp và trả lời báo giới về những vấn đề được dư luận và cử tri cả nước quan tâm.
Quốc hội họp phiên bế mạc chiều 26-6. |
Thông qua 11 dự án luật
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 dự án luật. Đây cũng là nội chính của Kỳ họp nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp. Việc sớm ban hành các đạo luật theo chương trình nghị sự của Kỳ họp sẽ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đồng thời, việc Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng còn góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; tiếp tục đổi mới công tác bầu cử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tới; khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tiến hành xem xét, thông qua 9 Nghị quyết, trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 15 dự án luật khác. Đây là những dự án luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Quốc hội tiếp tục dành thời gian thỏa đáng thảo luận và trên cơ sở xem xét, cân nhắc về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội đã quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này. Quốc hội tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm khả thi và phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước.
Phê chuẩn bổ nhiệm 15 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Tư pháp, Tòa án được giao quyền tư pháp. Một nhánh quyền cực kỳ quan trọng, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu sau khi QH thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ngày 26-6. Với 440 đại biểu (chiếm tỷ lệ 89,07% tổng số đại biểu QH) bấm nút tán thành, QH đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo dó, QH phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với 15 ông, bà: Nguyễn Thị Hoàng Anh, Trần Văn Cò, Nguyễn Văn Du, Đặng Xuân Đào, Nguyễn Văn Hạnh, Tống Anh Hào, Nguyễn Thúy Hiền, Bùi Ngọc Hòa, Đào Thị Xuân Lan, Chu Xuân Minh, Lê Văn Minh, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Thuân, Lương Ngọc Trâm và Nguyễn Trí Tuệ. Căn cứ Nghị quyết của QH, Chủ tịch nước bổ nhiệm các ông, bà này làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. |
Cử tri hài lòng
Theo thông tin của Văn phòng Quốc hội, kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy dư luận cử tri hài lòng về chương trình và nội dung của Kỳ họp thứ 9. Cử tri cho rằng kỳ họp đã diễn ra thuận lợi, hiệu quả, có nhiều đổi mới tích cực phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cử tri. Cử tri cho rằng đại biểu Quốc hội đã lắng nghe, chuyển tải ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri lên diễn đàn Quốc hội.
Đặc biệt, cử tri khá hài lòng với vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó có nội dung giám sát chuyên đề về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Cử tri cũng đánh giá công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; góp phần tạo lên bầu không khí lan tỏa rộng khắp, thu hút sự quan tâm của cử tri, gắn kết cử tri trên mọi vùng miền của đất nước hướng về Kỳ họp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Quốc hội trước sự việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có báo cáo trước Quốc hội về nội dung này.
Ngoài ra, tại nhiều cuộc họp báo quốc tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời báo chí, khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề này. Theo đó, những hoạt động xây dựng và mở rộng đảo đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và cũng không thay đổi thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và sẽ có những tuyên bố chính thức khi cần thiết, ông Phúc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Quốc hội xác định đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với việc thông qua Nghị quyết, Quốc hội mới chỉ tán thành về chủ trương đầu tư, còn việc triển khai cụ thể như thế nào, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ báo cáo theo từng giai đoạn cụ thể để Quốc hội tiến hành giám sát theo từng giai đoạn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là cơ quan trực tiếp giúp Quốc hội giám sát công trình này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Thu Thủy – TTXVN