Quốc hội sẽ xem xét vấn đề biển Đông

Thứ ba, 20/05/2014 08:37

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, khai mạc hôm nay (20-5) tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 28 ngày, bế mạc ngày 24-6.

Trả lời P.V, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, những ngày qua, tình hình Biển Đông là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và toàn xã hội. Hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Nội dung báo cáo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ được dành thời gian vào buổi chiều nay (20-5), ngay sau phiên khai mạc kỳ họp. Phần thảo luận về nội dung này, Quốc hội họp riêng, có thể họp báo, trao đổi với báo chí sau đó.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ có báo cáo về tình hình và biện pháp giải quyết về việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, đập phá nhà xưởng vừa qua.

Về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, tuy là kỳ họp đầu năm như thông lệ nhưng Kỳ họp thứ 7 có số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua và số lượng các dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại Quốc hội tăng lên. Cụ thể, Quốc hội xem xét, thông qua 11 dự án luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội có chủ trương giải quyết vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Công ước Luật Biển và các quy định pháp luật của Liên hợp quốc. Lãnh đạo Quốc hội rất cảm kích khi các nghị sĩ trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, như việc bày tỏ quan điểm công khai, mạnh mẽ của đoàn nghị sĩ của Thượng viện Mỹ.

Phủ nhận khả năng Quốc hội phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2014 đã định ra trước đó do ảnh hưởng của vụ giàn khoan Hải Dương 981, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2014 rất tốt, chưa thấy dấu hiệu nào cần phải điều chỉnh. Chỉ có vấn đề thiệt hại của một số doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản, nhà xưởng do việc người dân bày tỏ lòng yêu nước nhưng bị kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến hành vi đập phá, gây tác động đến doanh nghiệp, sản xuất, nhà đầu tư.

Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội cần thực hiện một chương trình lớn hơn về biển Đông như xem xét việc tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển, tăng hỗ trợ với ngư dân trên biển, ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp, trong quá trình xem xét cụ thể báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định các giải pháp đề xuất Chính phủ trình ra, trong đó có những giải pháp mang tính chất tổng quát. Nhưng giải pháp nào cũng phải trên nguyên tắc đường lối đối ngoại, trong tình huống nào cũng phải đảm bảo hòa bình, còn cơ hội nào cũng cần hết sức tỉnh táo xem xét, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế. Khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng là một cách thức đấu tranh hòa bình được Chính phủ lưu ý, đề xuất Quốc hội khi cần thiết, để mang lại hiệu quả cao nhất.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin nhiều người lao động Trung Quốc muốn về nước sau sự cố tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, sau sự cố, cơ quan chức năng đã tập trung nỗ lực hỗ trợ cứu chữa cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như Việt Nam về những thiệt hại phải gánh chịu. Hiện tình hình tại địa phương trở lại bình thường, các công nhân, kỹ sư, lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đã trở lại làm việc. Tổng Giám đốc công ty Fomosa vẫn cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam. Theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công nhân bị thương về nước một cách thuận lợi bằng đường hàng không. Số công nhân khác trong hôm nay cũng có thể về nước bằng đường biển.