Quy định xét tuyển vào đại học, cao đẳng
(Cadn.com.vn) - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ GD-ĐT đang đề xuất 3 đến 4 mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ năm 2014. Việc quy định này đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Nguyên nhân là trong những năm vừa qua, có những nhóm trường có điểm xét tuyển cao nhưng cũng có những trường có điểm xét tuyển trung bình hoặc thấp.
Ngoài ra, quy định trên cũng sẽ đảm bảo chất lượng đầu vào và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong tuyển sinh, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng trong giáo dục đại học. Quy định này cũng giúp học sinh và phụ huynh sẽ biết được chất lượng đầu vào từng ngành để chọn trường phù hợp năng lực của mình.
Bộ dự kiến cho phép các trường căn cứ vào đặc thù của từng ngành đào tạo để quy định môn chính và đồng thời điểm thi môn chính sẽ được nhân hệ số 2 khi xét tuyển. Việc cho phép công bố một môn chính cũng như nhân hệ số khi xét tuyển là việc không mới vì những năm trước đối với một số ngành đã chọn môn chính là Ngoại ngữ hoặc môn năng khiếu để nhân hệ số khi xét tuyển.
Tuy nhiên, điểm mới là trước kia chỉ có 1 điểm sàn chung và những ngành có môn chính thí sinh vẫn phải đạt trên điểm sàn mới được xét tuyển. Hiện nay, Bộ cho phép các trường được phép tính lại điểm xét tuyển có tính đến hệ số môn chính và điểm này sẽ bằng điểm xét tuyển cơ bản Bộ công bố nhân 4 và chia 3.
Phó Cục trưởng Trần Văn Nghĩa giải thích: "Với quy định này, có thể hiểu cơ bản như sau: với một ngành thi khối D và trường chọn môn tiếng Anh là môn chính, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm xét tuyển cơ bản là 12 thì trường đó có thể công bố điểm xét tuyển với môn tiếng Anh nhân hệ số là 16.
Như vậy, thí sinh nào có điểm tiếng Anh cao sẽ có lợi thế khi xét tuyển. Với quy định như vậy, trường sẽ chọn được thí sinh có năng lực tốt ở môn chính và đảm bảo chất lượng đầu vào. Quy định này cũng có lợi cho thí sinh có thể theo học ngành đúng với thực lực của mình".
Trước tình trạng nhiều thí sinh sau khi trượt đại học đã ra nước ngoài, đăng ký theo học tại các trường đại học quốc tế cho phép thí sinh xét tuyển từ điểm học bạ trung học phổ thông, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Trần Văn Nghĩa cho rằng: "Những nước phát triển đa số có nền giáo dục tiên tiến, phát triển mạnh. Công tác phân luồng trong giáo dục ở những nước này rất tốt, trong khi đó ở Việt Nam phân luồng còn rất yếu. Việc quy định ngưỡng chất lượng tối thiểu một mặt đảm bảo chất lượng đầu vào, một mặt là tác động vào phân luồng. Trong năm 2014, ngoài những trường, ngành tự nguyện tham gia kỳ thi chung của Bộ, còn có 63 trường tuyển sinh riêng theo đề án tự chủ tuyển sinh và nhiều trường trong số đó thực hiện xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở trung học phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, thí sinh vẫn có thêm nhiều lựa chọn ngoài việc dự thi vào các trường có tổ chức thi vẫn có thể lựa chọn các trường xét tuyển từ kết quả học tập trung học phổ thông và điểm thi tốt nghiệp trung học".
P.V