Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Thứ hai, 10/02/2020 09:00

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 4-12 -2019, theo đó, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch này. Theo quy định của Luật Quy hoạch, thời hạn thực hiện lập quy hoạch trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ được phê duyệt.

Phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi các lưu vực sông thuộc phần diện tích đất liền và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam; đối tượng của quy hoạch bao gồm: Nước mặt, nước dưới đất. Quan điểm lập quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo yêu cầu tài nguyên nước được phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Quy hoạch tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, thống nhất trên toàn quốc và vùng kinh tế, theo lưu vực sông và có sự điều hòa, phân phối phù hợp giữa các lưu vực sông, đồng thời phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh cho biết: Hiện nay Cục đã trình Bộ phê duyệt nội dung, dự toán chi tiết của Quy hoạch này tại Tờ trình số 27/Tr-TNN ngày 20-1-2020. Dự kiến thực hiện lập quy hoạch bắt đầu từ tháng 3-2020 - tháng 8-2021.

Theo đó, đối với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ được thực hiện cho 21 sông chính thuộc các lưu vực sông lớn; 10 sông chính thuộc các lưu vực sông nhỏ ven biển khác và trên phạm vi 7 đảo. Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ gồm những nội dung chính như: Đánh giá tổng quan (hiện trạng tài nguyên nước; hiện trạng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tác động của việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; tác động của các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các quy hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xu thế biến động tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội).

Đồng thời, xác định quan điểm quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Bên cạnh đó, định hướng việc xác định khu vực hạn chế, khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước (nếu có); điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; xác định yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông; xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước quy mô lớn và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Để đảm bảo đúng tiến độ lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, Chương trình công tác của Bộ và các quy định khác liên quan, Cục Quản lý Tài nguyên nước đề nghị các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện lập quy hoạch để đảm bảo theo quy định của Luật Quy hoạch.

Theo đó, việc thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ kế thừa các thông tin, số liệu trong các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã thực hiện; các quy hoạch thực hiện song song và sau quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ phải cập nhật, kế thừa thông tin số liệu và kết quả của quy hoạch tài nguyên nước quốc gia để đảm bảo tính thứ bậc và đồng bộ trong quy hoạch, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.

DIỆU THÚY