Quyền lợi của người lao động phải được ưu tiên
474 người lao động (NLĐ) của Cty TNHH MTV TBO VINA (100% vốn Hàn Quốc, tại Lô N, đường số 6, Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) rơi vào cảnh khó khăn khi cả chủ đầu tư và Giám đốc điều hành của Cty về nước, để lại các khoản nợ lương, BHXH lên đến hơn 15 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, nhưng đến nay họ vẫn là người bị thiệt hại nhiều nhất. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn An- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn An- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng. Ảnh:H.N |
P.V: Xin ông cho biết, khi chủ doanh nghiệp (DN) bỏ về nước, để lại các khoản nợ lương, BHXH của 474 NLĐ, các cơ quan chức năng đã làm gì để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ?
Ông Nguyễn Văn An: Cty TNHH MTV TBO VINA sản xuất, gia công may mặc xuất khẩu áo quần nam nữ các loại, có 474 NLĐ, chủ yếu là người Quảng Nam và Đà Nẵng. Ông Kim Sang Bong- chủ đầu tư, người đại diện theo pháp luật của DN và ông Kim Won Soo- Giám đốc điều hành Cty về nước, Cty nợ NLĐ lương tháng 6 và 7-2018 hơn 4 tỷ đồng và nợ BHXH tính đến cuối tháng 6-2018 hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Cty còn nợ tiền thuê nhà xưởng của Cty TNHH Daewon Đà Nẵng, hợp đồng bảo vệ, nộp phạt cho Cục Thuế Đà Nẵng. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND Q. Liên Chiểu chủ trì, phối hợp Sở LĐ-TB&XH, BQL và Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất đã đến Cty để tìm hiểu nội dung vụ việc. Qua trao đổi với đại diện Cty, bà Lê Thị Kiều Chinh- Trưởng phòng nhân sự, được biết, ngày 20-7-2018, Cty thông báo cho NLĐ nghỉ phép từ ngày 21-7 đến 31-7-2018 vì hết đơn hàng, nhưng thông tin không đến hết được NLĐ nên sáng ngày 23-7-2018, có gần 100 NLĐ đến Cty làm việc và khi biết thông tin ông Kim Won Soo về Hàn Quốc. NLĐ nghi ngờ Giám đốc Cty bỏ trốn nên họ yêu cầu Cty phải trả đủ lương. Đoàn làm việc đã đề nghị đại diện Cty liên lạc với ông Kim Won Soo và ông Kim Sang Bong phải có mặt tại Cty vào ngày 1-8-2018 để giải quyết tình hình nợ lương, nợ BHXH của NLĐ. Đối với những trường hợp NLĐ bức xúc về nợ BHXH, không nhận được sổ BHXH để đi làm tiếp ở DN khác, đề nghị Cty thực hiện đóng đủ BHXH, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng đối với các trường hợp đó cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ. Nhưng, đến ngày 30-7, Cty vẫn không liên lạc được với ông Kim Sang Bong, còn ông Kim Won Soo thì đang nằm viện và không thể quay lại Việt Nam; hiện Cty cũng không có đơn hàng để sản xuất vào ngày 1-8 và không có người bảo vệ tài sản do Cty nợ tiền thuê bảo vệ chưa thanh toán.
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp UBND Q. Liên Chiểu, Liên đoàn Lao động TP, BQL và Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất, Bảo hiểm Xã hội TP để tìm cách giải quyết. Sở Ngoại vụ trao đổi, làm việc với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc, Hiệp hội các DN Hàn Quốc, để có các biện pháp yêu cầu chủ DN đến làm việc với các cơ quan chức năng của TP để giải quyết dứt điểm nợ lương, nợ BHXH. Trong trường hợp NLĐ muốn khởi kiện thì Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất hướng dẫn thủ tục khởi kiện Cty TNHH MTV TBO VINA.
P.V: Vậy, khó khăn nhất trong việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn An: Hiện nay, khó khăn nhất là 93 NLĐ nghỉ thai sản, nhất là số chị em nghỉ thai sản mà Cty nợ BHXH từ tháng 1-2017 đến nay và số chị em sắp sinh con không được hưởng chế độ thai sản. Do đó, sẽ trợ cấp khó khăn cho số chị em đã sinh; những trường hợp chưa sinh, sẽ tạo mọi điều kiện để mua BHYT cho họ. Về nợ lương của NLĐ, hiện nay còn khoảng 1,6 tỷ đồng tiền hoàn thuế của DN, nhưng Cục Thuế cho biết trừ tiền xử phạt, còn khoảng 1,2 tỷ đồng. Có thể lấy tiền hoàn thuế để trả nợ lương cho NLĐ. Song, vướng mắc là theo quy định của pháp luật, chủ DN phải đề nghị hoàn thuế, nhưng giờ chủ doanh nghiệp bỏ về nước nên không thể thực hiện. Riêng việc nợ BHXH, theo nguyên tắc đóng đến đâu hưởng đến đó, những trường DN không đóng BHXH cho NLĐ thì khi được giải quyết theo quy định của pháp luật, sẽ được cộng thêm vào thời gian đóng BHXH. Một khó khăn nữa đối với NLĐ, đó là BHTN Cty mới đóng đến hết ngày 30-4-2018, trong khi đó, luật pháp quy định muốn giải quyết thất nghiệp thì phải đóng tháng liền kề tháng ngừng việc mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, chúng tôi đề xuất UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ khó khăn 3 tháng BHTN cho NLĐ.
Công nhân đến Cty TNHH MTV TBO VINA yêu cầu trả đủ lương trong ngày 23-7-2018. |
P.V: Thưa ông, những giải pháp trên, có thể xem là những giải pháp tình thế. Bởi, về lâu dài khó có thể dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho NLĐ mỗi khi chủ DN bỏ đi. Ông có thể cho biết, làm gì để tháo gỡ vướng mắc do quy định của pháp luật như vấn đề hoàn thuế, BHTN?
Ông Nguyễn Văn An: Đúng vậy. Ngân sách Nhà nước bỏ ra trong trường hợp này không hợp lý, vì NLĐ đang rất khó khăn nên chúng tôi linh động đề xuất hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho NLĐ. Về lâu dài, chúng tôi đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm vận động các DN nhận lại NLĐ của Cty TBO VINA; đề xuất phong tỏa tài sản và thanh lý tài sản. Tiền có được từ hoàn thuế và thanh lý tài sản phải ưu tiên trả nợ lương, BHXH cho NLĐ trước các khoản nợ khác. Các cơ quan chức năng cần sớm có những đề xuất, tháo gỡ trong trường hợp hoàn thuế, nếu cứ nhất định phải là chủ DN đề nghị hoàn thuế, thì chủ DN bỏ đi rồi, sẽ rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, trong trường hợp này, cần có sự điều chỉnh quy định pháp luật khi chủ DN bỏ đi thì ai đứng ra chịu trách nhiệm hoàn thuế, để trả nợ lương, BHXH cho NLĐ. Quy định về BHTN cũng vậy, cần có những quy định phù hợp hơn, nếu DN nợ BHXH, BHTN thì việc quy định BHTN phải đóng tháng liền kề tháng ngừng việc mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì gây khó khăn cho NLĐ.
P.V: Từ trường hợp trên, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì để chủ động phát hiện, ngăn chặn những trường hợp tương tự TBO VINA, nhất là vai trò bảo vệ quyền lợi cho NLĐ của các tổ chức công đoàn tại các DN? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn An: Vấn đề kiểm soát các chủ DN bỏ đi, Sở LĐ-TB&XH không có chức năng. Các cơ quan BHXH, thuế, nhất là tổ chức Công đoàn, khi thấy có những dấu hiệu nợ BHXH, nợ lương... nên cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo dõi, hạn chế việc chủ DN bỏ đi không biết. Tổ chức Công đoàn cần sớm lên tiếng và phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sớm, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HỒNG NHẬT (thực hiện)