Quyến luyến giữ nghề

Thứ bảy, 26/09/2020 20:00

Trải qua bao giai đoạn thăng trầm lịch sử và thay đổi của xã hội, ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã có nhiều làng nghề dần bị mai một, song cũng có làng nghề vẫn gìn giữ được nét tinh hoa truyền thống, như làng nghề sản xuất bánh tráng ở Túy Loan (xã Hòa Phong). Trong đó, lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ và có nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn còn quyến luyến giữ nghề.

Tuổi đã ngoài 80 nhưng bà Túy Phong (xã Hòa Phong) vẫn còn quyến luyến giữ nghề.

Hiện nay, ở làng nghề bánh tráng Túy Loan còn khoảng 15 hộ duy trì sản xuất nhưng không đều dặn, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ, hoàn toàn bằng thủ công. Gần 10 hộ sản xuất thường xuyên như hộ bà Đặng Thị Túy Phong (81 tuổi), Đặng Thị Tùng (76 tuổi) và nhiều hộ xấp xỉ tuổi 70 như Trần Thị Luyện, Nguyễn Thị Anh... Các hộ này đều đẩy mạnh sản xuất vào các tháng cuối năm để cung ứng cho thị trường Tết âm lịch, còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.  Được biết, nhiều năm qua, UBND xã Hòa Phong đã triển khai, thực hiện đề án "Phát triển làng nghề bánh tráng Túy Loan". Theo đó, một số hộ sản xuất tiêu biểu ngoài việc được hỗ trợ máy xay bột, máy hút chân không, bao bì mẫu mã; Sở NN&PTNT TP còn tạo điều kiện cho địa phương quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các cơ sở vùng nội thành.

Nhiều hộ sản xuất cho biết, sở dĩ bánh tráng Túy Loan được nhiều người biết đến là nhờ kinh nghiệm của ông cha truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy. Nghề này không mất nhiều sức nhưng đòi hỏi tính kiên trì, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức dậy sớm nhóm bếp và ngồi tráng bánh miết cho tới khi trời tắt nắng thì ngưng. Một lò phải có 2-3 người phụ nữ vừa tráng, vừa xông bếp than sấy bánh; còn công đoạn xay gạo nặng nhọc hơn thì mới cần đàn ông, thanh niên trợ giúp. Họ còn cho biết, thời gian gần đây, có nhiều người con của quê hương đang định cư ở nước ngoài mỗi lần về thăm quê cũng đặt mua bánh tráng với số lượng lớn để mang qua làm quà biếu cho bà con hàng xóm.

Theo bà Túy Phong, không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ nhưng hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề này. Lớn hơn một chút thì bà đã biết phụ phơi bánh. Lúc đó, nhà nào cũng có lò tráng bánh, nhà đông có khi xây đến 2, 3 lò. Trong gia đình, bà cũng là người hiếm hoi giữ được nghề và may mắn là thời gian gần đây đã có người con gái kế thừa. Ở làng nghề này, dù thu nhập mỗi lao động so với các công việc khác không cao, nhưng lớp người già như bà lại không ai muốn bỏ nghề, vẫn "giữ lửa" thuở cha ông để gìn giữ thương hiệu mà các thế hệ đi trước đã tốn công gầy dựng.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân chia sẻ, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề thủ công truyền thống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bánh tráng Túy Loan không chỉ có ở các hoạt động lễ hội của địa phương, mà còn được chính quyền các cấp chọn làm sản phẩm tiêu biểu theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020. Hiện nay, các cơ sở sản xuất sản phẩm này đã được nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm... "Bên cạnh đó, ẩn chứa đằng sau hình ảnh đôi bàn tay lem lấm bụi than, những giọt mồ hôi tuôn rơi bên bếp lửa hồng, ánh mắt đầy lo toan vất vả hay nụ cười sảng khoái sau khi sản phẩm hoàn thành. Các khoảnh khắc đó, chúng tôi đều nhìn thấy ở các bà, các chị và xin được tôn vinh những cống hiến thầm lặng của họ trong việc nỗ lực lưu giữ nghề truyền thống. Bởi, đó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất mà quá trình chăm chút, phát triển làng nghề còn chắt lọc tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc đặc trưng cho địa phương", Chủ tịch UBND xã Hòa Phong ghi nhận.

VY HẬU