Quyết liệt bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn Quảng Trị đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tình hình vi phạm về mua bán, vận chuyển, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã cũng đã giảm rõ rệt. Đặc biệt hơn, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã xuất hiện và trú ngụ tại Quảng Trị ngày càng nhiều. Trước bức tranh sinh động này, trung tuần tháng 9-2019, UBND tỉnh Quảng Trị cũng ra Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, sau đó tiếp tục ban hành Quyết định Phê duyệt Kế hoạch hành động bảo vệ rùa biển Quảng Trị giai đoạn 2019-2025.
Giải cứu 4 cá thể kỳ đà hoa, thả về lại rừng tự nhiên. |
MÔI TRƯỜNG THÂN THIỆN
Thời gian gần đây Quảng Trị xuất hiện nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đến trú ngụ. Cụ thể, rùa biển xuất hiện nhiều ở các xã ven biển, bò tót tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, báo hoa mai xuất hiện tại xã Hải Thọ (H.Hải Lăng), già đẫy Java và bồ nông xuất hiện tại TT Cửa Việt (H.Gio Linh), cò nhạn về rợp trời tại các xã Gio Mỹ (H.Gio Linh), xã Hải Lâm, xã Hải Thượng (H.Hải Lăng), xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Linh) và xã Cam Tuyền, xã Cam Thanh (H.Cam Lộ). Mới nhất là hàng ngàn con cò nhạn trắng xuất hiện trên nhiều cánh đồng tại xã Cam Thanh trong tháng 7-2019 vừa qua. Người dân khắp nơi đổ về để chiêm ngưỡng cảnh lạ, đẹp chưa từng thấy ấy. Điều đặc biệt, sự vào cuộc kịp thời của chính quyền xã trong bảo vệ an toàn cho đàn chim cùng với ý thức người dân không để xảy ra bất kỳ hành động đáng tiếc nào gây hại đến loài động vật quý có trong Sách Đỏ Việt Nam này. Trong niềm phấn khởi, bà con tin đó là điều lành, vui vẻ.
Cũng qua nhiều vụ việc cho thấy, dấu ấn người dân Quảng Trị trong phát hiện, bảo vệ các loài động vật hoang dã ngày càng đậm nét. Nổi bật trong đó là phát hiện quan trọng liên quan cá thể bò tót tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa vào đầu năm 2019. Lúc đó, ông Hồ Văn Non, bản Cù Bai, xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa trong quá trình đi lấy đót làm chổi ở địa bàn thuộc xã Hướng Lập đã phát hiện nhiều cá thể nghi là động vật quý hiếm trên. Ông Non liền bỏ dở việc, lập tức xuống núi, báo ngay cho lực lượng chức năng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh và cán bộ của khu bảo tồn đã đến hiện trường. Quá trình khảo sát, phân tích dấu chân, lông, phân cho thấy có đến 3 cá thể bò tót xuất hiện ở khu vực trên. Bước đầu nhận định, có thể những cá thể bò tót đã di chuyển từ Lào về Việt Nam để tìm kiếm thức ăn và ở lại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Điều này càng khẳng định môi trường sống tại khu bảo tồn luôn bảo đảm, công tác bảo tồn động vật quý hiếm ở Quảng Trị được thực hiện rất tốt nên bò tót các nơi khác tìm về trú ngụ.
Chính quyền cũng như lực lượng chức năng cũng đánh giá cao những đóng góp của quần chúng nhân dân trong “giải cứu” những động vật quý hiếm thời gian qua. Mới nhất vào đêm ngày 21-9-2019, quần chúng nhân dân với tinh thần cảnh giác đã góp phần ngăn chặn một vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã. Lúc đó là 21 giờ, nghi ngờ ở vị trí Km65 QL9 có dấu hiệu cất giấu động vật hoang dã, người dân đã báo cho kiểm lâm địa bàn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 bao lưới bên trong chứa 4 cá thể kỳ đà hoa. Bên cạnh việc xác minh, nhanh chóng làm rõ chủ sở hữu để xử lý hành vi vi phạm, lực lượng kiểm lâm cũng kịp thời thả lại môi trường tự nhiên số cá thể kỳ đà trên.
Xuôi về địa bàn tuyến biển, năm 2018, 2019 liên tục ghi nhận các trường hợp phát hiện và “giải cứu” rùa biển trả lại môi trường tự nhiên. Điển hình là em Nguyễn Ngọc Hoàng (học sinh cấp 2, trú thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh) trong quá trình đánh cá đã phát hiện một chú rùa biển 10kg mắc lưới. Nhiều người hay tin đã tìm để hỏi mua giá cao, có thể cho gia đình thêm một khoản thu khá nhưng Hoàng nhất quyết từ chối và đến trường báo sự việc. Trong chiều cùng ngày, nhà trường cùng với chính quyền xã cùng Hoàng tiến hành thả rùa quý về lại biển. Tháng 8-2019 vừa qua, một cá thể rùa biển 15kg theo dòng xâm nhập mặn đã lạc lên sông Hiếu khi cách cửa biển Cửa Việt 12km. Cá thể rùa biển này được một ngư dân đánh bắt được và lập tức báo với Ban quản lý Khu bảo tồn đảo Cồn Cỏ tiếp nhận. Đó cũng là cá thể rùa biển thứ 20 được phát hiện, cứu hộ thả lại biển tính từ đầu năm 2019 tại Quảng Trị. Hiện vùng biển, đảo Quảng Trị hiện có nhiều loài rùa quý hiếm có tên trong Sách Đỏ đang sinh sống, được xem như báu vật đại dương.
QUYẾT LIỆT HÀNH ĐỘNG
Bên cạnh những hành động bảo vệ động vật hoang dã, ứng xử đẹp với môi trường, trong thực tế vẫn còn tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, chế biến... mẫu vật động vật hoang dã trái phép vẫn còn diễn ra. Nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm, UBND tỉnh Quảng Trị đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, giao CA chủ trì phối hợp với các ngành, lực lượng Hải quan, Biên phòng QLTT, Kiểm lâm, Thủy sản lập chuyên án đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất động vật hoang dã trái quy định, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác và một số loài nguy cấp, quý hiếm khác. Công tác tuyên truyền cũng đặc biệt được chú trọng, kịp thời biểu dương khen thưởng các thành tích xuất sắc.
Riêng bảo vệ rùa biển, Quảng Trị ban hành một chương trình hành động riêng với mục tiêu quản lý, bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Quảng Trị. Theo đó, giai đoạn 2019-2021, nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển và rùa biển thích ứng với giai đoạn phát triển KT – XH địa phương. Từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, CBCS lực lượng vũ trang, học sinh; lắp đặt thiết bị thoát rùa biển cho lưới rê khai thác vùng khơi. Triển khai chương trình chống rác thải nhựa... Đặc biệt, thành lập Đội tình nguyện viên quan sát, bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển tại 12 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và huyện đảo Cồn Cỏ, tổ chức cứu hộ kịp thời khi có thông tin về rùa biển gặp nạn như mắc lưới ngư dân, lên bãi đẻ trứng, bị bắt, xẻ thịt... Giai đoạn 2022-2025, mở rộng và tiếp tục duy trì các nội dung trên. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cũng được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng quan hệ hợp tác với nhiều đơn vị trong nước đã thực hiện thành công bảo tồn rùa biển.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện cho cả 2 giai đoạn là trên 4 tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh 60%, còn lại nguồn tài trợ từ IUCN,WWF, ENV, nguồn xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin đại chúng cũng được đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm chung sức bảo vệ “báu vật” đại dương trên.
BẢO HÀ