Quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh, phòng chống bạo lực gia đình

Thứ bảy, 07/03/2020 12:25

* UBND TP đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 7 cá nhân

Đó là một trong những yêu cầu được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 25 của Thành ủy Đà Nẵng về “Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP” do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức chiều 6-3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trao bằng khen cho các tập thể đạt thành tích trong công tác PCBLGĐ.

10 năm xảy ra 1.957 vụ bạo lực gia đình

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, 10 năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, kế hoạch hành động cụ thể của các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhất là sự chủ động, tích cực của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ,  việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 25 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, cũng như từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCBLGĐ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  của TP.

Theo báo cáo, 10 năm qua, trên địa bàn TP xảy ra 1.957 vụ bạo lực gia đình, trong đó hành vi bạo hành thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất: 1.564 vụ, kế đến là bạo lực tinh thần: 302 vụ, bạo lực về kinh tế: 84 vụ và bạo lực tình dục: 7 vụ. Đáng mừng, số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình giảm theo từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2009, toàn TP có 334 vụ bạo lực gia đình, thì đến năm 2019, con số này chỉ còn 117 vụ. 100% trường hợp người gây bạo lực gia đình đều được can thiệp và xử lý triệt để (1.957/1.957 trường hợp).

Hội nghị cũng đã nghiêm túc nêu ra  4 hạn chế cần phải được khắc phục trong thời gian đến. Trong đó, nhấn mạnh hạn chế về việc xử lý các hành vi vi phạm Luật PCBLGĐ đôi lúc, đôi nơi chưa kịp thời, thiếu tính răn đe. Một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể tuy có quan tâm đến công tác PCBLGĐ, nhưng việc chỉ đạo, đầu tư chưa nhiều; còn quan niệm coi bạo lực gia đình là “chuyện riêng của mỗi nhà”, là trách nhiệm của Hội Phụ nữ... nên kết quả công tác PCBLGĐ chưa cao như mong muốn.

Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc CATP- cho rằng cần tìm ra được các nguyên nhân căn cơ, trên cơ sở đó để có những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Cũng theo đại tá Trần Mưu, đa số các vụ bạo lực gia đình xảy ra, nạn nhân thường nhẫn nhịn, sợ mất uy tín, giữ thể diện nên không báo chính quyền địa phương. Chỉ khi bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên, họ  mới báo cơ quan chức năng dẫn đến việc răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn... Trên cơ sở chỉ ra các nguyên nhân, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng đã đưa ra 7 giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác PCBLGĐ. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo tình hình, tham mưu cho các cấp trong việc phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình; công tác xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong việc quản lý, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin về hành vi bạo lực gia đình, không để bị động, bất ngờ khi có sự việc xảy ra...

 Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích trong công tác PCBLGĐ. ảnh: P.T

Phụ nữ phải là chiến sĩ trên mặt trận giám sát

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh lưu ý, khi xã hội càng phát triển thì vấn đề bạo lực về kinh tế, tinh thần cần phải được quan tâm hơn. Để công tác PCBLGĐ trên địa bàn TP tiếp tục đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình, việc làm tốt trong công tác PCBLGD&TE. Ngoài ra, cần tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thực hiện bình đẳng giới... Hạt nhân của xã hội là gia đình. Vì vậy, để TP phát triển theo Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh trước hết là phải xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc. Trong đó, trách nhiệm trước tiên phải là mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là vai trò của người lớn. Và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị là phải xây dựng một nền tảng văn hóa căn bản, dựa trên chuẩn mực của đạo đức và pháp luật...

Đồng tình phương hướng, nhiệm vụ mà Hội LHPNTP nêu ra, kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung trong thời gian qua. Theo đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Dân vận nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về “Xây dựng TP Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em” để trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành. Mặt khác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị và các cơ quan chức năng phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, các địa chỉ tin cậy, nhân tố tiêu biểu để tạo sự lan tỏa, tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa về những vấn đề liên quan đến PCBLGĐ, phụ nữ và trẻ em.

Theo Phó Bí thư Nguyễn Văn Quảng, cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm những mặt hạn chế, nhất là cần làm rõ các nguyên nhân để có các biện pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó, chú ý làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo nên những đổi mới về nhận thức. Ngoài ra, cần huy động và phát huy được sức mạnh, vai trò của cộng đồng, dòng họ trong công tác PCBLGĐ; quan tâm công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác này, không được đùn đẩy trách nhiệm. Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Dân vận xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức triển khai và xử lý khi xảy ra các vụ việc. Đối với CATP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị nên chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp giữa CATP với các cấp, các ngành và các cơ quan tố tụng trong việc  xử lý các vụ việc liên quan đến BLGĐ...

Phó Bí thư Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và UBND các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-2-2020 về đẩy mạnh công tác PCBLGĐ, cùng công văn số 1204 ngày 2-3-2020 của UBND TP quy định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, UBND các quận huyện.  Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giám sát việc thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý  các vụ việc xâm hại, bạo lực gia đình và trẻ em. “Chúng ta có thói quen nêu vấn đề nhưng chưa làm tốt công tác giám sát kết quả thực hiện đến cùng của những vụ việc đó... Trong đó, Hội LHPN TP phải trở thành những chiến sĩ trên  mặt trận giám sát trong việc thực thi và theo đến cùng trong vấn đề này. Ngoài ra, Hội LHPN TP còn phải làm tốt công tác tư vấn pháp luật, bảo trợ cho các nạn nhân liên quan đến bạo lực gia đình và trẻ em”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, không phải ngẫu nhiên mà diễn đàn Quốc hội cũng như báo chí thời gian qua liên tục đặt ra yêu cầu cho công tác đấu tranh, xử lý trên lĩnh vực PCBLGĐ. Vì vậy, dù TP Đà Nẵng đã làm tốt công tác này nhưng không được chủ quan. Cần quan tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh, PCBLGĐ, phụ nữ và trẻ em.

P.Thủy