Quyết liệt phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) ở các địa phương phía Bắc, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành "bức tường" ngăn chặn nạn dịch này tràn vào Nam. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, các ngành chức năng đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh.
Việc mua bán thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng và lợn sữa tại chợ Bà Rén vẫn diễn ra bình thường. |
UBND TP Đà Nẵng có kế hoạch giao các ngành Giao thông Vận tải, Công an, Thanh tra giao thông, CSGT kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý việc vận chuyển lợn không có xuất xứ, nguồn gốc, không đảm bảo quy định của pháp luật… Đặc biệt, lãnh đạo CATP Đà Nẵng chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp, hỗ trợ Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện kiểm dịch động vật thật nghiêm túc khi vận chuyển động vật để nhập, quá cảnh qua địa bàn đúng quy định của pháp luật. Ông Trần Tới - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng cho biết: Do giá lợn phía Bắc sụt giảm nên xảy ra tình trạng vận chuyển lợn thịt vào Nam tiêu thụ. Trong những ngày qua, mỗi ngày có từ 15 xe ô-tô chở khoảng 3.000 con lợn đi qua địa bàn Đà Nẵng. Số lợn này có thể có xuất xứ từ vùng có dịch nên buộc phải được kiểm tra, tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, lực lượng Thú y còn tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại.
Theo tìm hiểu, hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 60.000 con lợn được người dân chăn nuôi rải rác tại 11 xã thuộc H. Hòa Vang. Dù chưa phát hiện DTLCP nhưng Đà Nẵng đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch này xâm nhập. Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc TT Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng cho hay: Thịt lợn được tiêu thụ trên địa bàn Đà Nẵng đều có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra về ATTP trước khi đưa ra thị trường. Số lợn này có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định hoặc trại chăn nuôi của Cty CP Chăn nuôi Việt Nam nên đảm bảo về chất lượng cũng như an toàn dịch bệnh.
Tại Quảng Nam, việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn DTLCP cũng được các cơ quan chức năng tích cực triển khai. UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống DTLCP và các dịch bệnh khác. Trong trường hợp phát hiện có dịch, các địa phương phải áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời. Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin: Để phòng, chống DTLCP ngoài 1.000 lít hóa chất do ngành nông nghiệp cấp, các địa phương đã chủ động xuất kinh phí mua thêm hóa chất, vôi bột để tiêu độc khử trùng. Hiện nay, UBND tỉnh cũng thống nhất mua thêm 800 triệu đồng hóa chất giao cho các địa phương.
Với những gì được ghi nhận, tình hình DTLCP và các loại dịch bệnh khác tại 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam đang nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn. Vì thế, người tiêu dùng không nên hoang mang, thờ ơ với những sản phẩm từ lợn và động vật khác. Việc không tiêu thụ những sản phẩm này sẽ vô tình gây thiệt hại cho người chăn nuôi nói riêng và nền nông nghiệp của địa phương nói chung.
M.T-H.D