Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tại nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí
Quý 1/2023, toàn quốc xảy ra 2.346 vụ TNGT, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 428 vụ (giảm hơn 15,4%), số người chết giảm 258 người (giảm hơn 15,2%), số người bị thương giảm 148 người (giảm gần 8,57%). Bên cạnh đó, số vụ ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp cao điểm nghỉ Lễ, Tết cũng được kéo giảm sau khi triển khai việc thu phí đường bộ không dừng trên phạm vi toàn quốc; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe cũng đã được xử lý căn bản.
Có được kết quả đáng khích lệ nói trên là nhờ Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương; trong đó nổi bật là Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường tối đa lực lượng, chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là triển khai các chuyên đề kiểm tra và xử lý tình trạng điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chở quá tải, v.v…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong quý I-2023 cũng còn một số tồn tại như: vẫn còn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà điển hình là tại Quảng Nam chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 19 người, bị thương 25 người; vi phạm về hành lang ATGT đường bộ và đường sắt còn nhiều; tình trạng ô-tô tải và ô-tô khách chở quá tải vẫn còn khá phổ biến; ùn tắc giao thông, nhất là ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội vẫn chưa được xử lý dứt điểm...
Bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị
Để công tác bảo đảm TTATGT trong quý II-2023 đạt kết quả tốt hơn, tại Hội nghị, nhiều địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể đều có chung các đề nghị như: sửa đổi và bổ sung các luật, nghị định về TTATGT cho phù hợp với tình hình mới và theo hướng xử phạt mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm; tiếp tục và nhanh chóng thi công cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông… Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị thêm về việc phân cấp quản lý hạ tầng giao thông cho các địa phương để tạo thuận lợi cho các địa phương làm tốt hơn công tác bảo đảm TTATGT; các địa phương cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải khách trên địa bàn, nhất là chú ý đến việc kiểm tra và đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kiểm tra và chấn chỉnh các trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe... Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị các lực lượng chức năng và các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tuần tra kiểm soát, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, nhất là qua hệ thống camera và thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm…
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, đề xuất tại hội nghị này để bổ sung vào báo cáo. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý 3 vấn đề lớn trong công tác này thời gian qua là số vụ TNGT xảy ra vẫn còn nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT vẫn còn phức tạp, các “điểm đen” về ùn tắc và TNGT vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tập trung triển khai 5 nhiệm vụ chủ yếu trong công tác bảo đảm TTATGT quý II-2023: tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, đặc biệt là không được can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm; tăng cường phối hợp giữa bộ, ngành Trung ương với địa phương và giữa các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức mới, chuyển tải nhanh hơn đến người dân; các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan đoàn thể, xã hội nghiên cứu, trao đổi, học tập, đúc kết kinh nghiệm các mô hình làm tốt công tác bảo đảm TTATGT.
Đà Nẵng nằm trong top đầu các địa phương giảm sâu về TNGT ở cả 3 tiêu chí Trong quý I-2023, toàn TP chỉ xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 2 người, bị thương 4 người, trong đó, TNGT đường sắt và đường thủy không có. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 14 vụ (giảm đến 74%), số người chết giảm 12 người (giảm đến 86%), số người bị thương giảm 9 người (giảm đến 69%). Với thành tích xuất sắc này, TP Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương tại Hội nghị.Điểm cầu tham gia Hội nghị trực tuyến tại TP Đà Nẵng. |
PHÚ NAM