Quyết liệt xử lý các hành vi buôn gian bán lận trong mùa dịch

Thứ hai, 10/08/2020 19:21

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về việc triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, Cục QLTT TP đã tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là thiết lập “đường dây nóng” tiếp nhận những phản ánh, tố cáo của người dân để can thiệp kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi buôn gian bán lận trong mùa dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường và phòng, chống đại dịch này trên địa bàn TP.

Lực lượng QLTT TP lập biên bản vi phạm đối với chủ cơ sở kinh doanh B.V.

Từ thông tin phản ánh của người dân qua “đường dây nóng”, tối ngày 7-8, Cục QLTT TP đã tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh ăn uống B.V, nằm trên đường Lương Định Của (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) do ông N.Q.H làm chủ cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy điểm kinh doanh ăn uống B.V vẫn tiếp tục kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn mang về gồm: mỳ quảng, bún, cháo, gỏi, v.v… bất chấp chủ trương của UBND TP tại Văn bản số 4987/UBND-VHXH ngày 29-7 về việc thực hiện dừng kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về bắt đầu từ 13 giờ ngày 30-7-2020 nhằm đảm bảo công tác, phòng chống dịch Covid-19 của TP. Thậm chí, thông qua facebook, cơ sở B.V thông báo hoạt động từ thiện (hỗ trợ bún, cháo, mỳ quảng cho các bệnh viện, các cơ sở cách ly…) để núp bóng kinh doanh, qua mặt cơ quan chức năng. Cục QLTT TP đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu ông N.Q.H dừng ngay việc kinh doanh, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc này sang CAQ Cẩm Lệ tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tối 30-7, qua phối hợp với CAQ Hải Châu và CAP Phước Ninh tiến hành kiểm tra đột xuất tại Cửa hàng ăn uống Michi Sushi & Mì cay nằm trên đường Thái Phiên, do bà N.P.T là chủ hộ kinh doanh, Cục QLTT TP phát hiện cơ sở này có hành vi vi phạm tương tự như cơ sở B.V. Cụ thể, trích xuất dư liệu từ các máy vi tính, máy tính tiền, máy quẹt thẻ (máy pos) trong thời gian từ 13 giờ 00 đến 19 giờ 30 ngày 30-7, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này đã bán mang đi các thực phẩm chế biến ăn sẵn như: bánh xèo Nhật Bản, maki cuộn cua, mỳ udon bò Mỹ, sashimi bụng cá hồi, cá hồi, cá trích éo trứng, maki lương Nhật nướng, đầu cá hồi, nigri thanh cua… và giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Theo ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP: Bên cạnh việc kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm lệnh dừng kinh doanh của UBND TP để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid19, Cục QLTT còn tập trung đấu tranh phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm trữ hàng hóa… để thu lợi bất chính, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, các mặt hàng liên quan đến sức khỏe người dân, nhất là khẩu trang y tế. Từ thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội (28-7) đến nay, Cục QLTT TP đã xử lý nhiều vụ buôn bán, tàng trữ mặt hàng khẩu trang y tế không có chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ với tổng cộng hơn 100.000 cái. Đơn cử, mới đây nhất, chiều 5- 8, qua kiểm tra tại Khu nhà trọ nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu), Cục QLTT TP phát hiện ông N.V.P, thường trú tại xã An Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) tàng trữ 29.100 khẩu trang y tế nhưng không có hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng QLTT TP kiểm tra và phát hiện lô hàng khẩu trang y tế không có chứng từ hợp pháp của ông N.V.P.

Một cán bộ QLTT TP cho biết thêm, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, tàng trữ khẩu trang y tế không có chứng từ hợp pháp cũng hết sức tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Cụ thể, như: không có giấy phép kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế nhưng lợi dụng nhu cầu đột biến mặt hàng này trong mùa dịch bệnh Covid-19 để tìm mua khẩu trang y tế trôi nổi trên thị trường bán lại kiếm lời; người kinh doanh không phải là người bản địa mà là người ở địa phương khác tới; thực hiện việc mua bán qua các trang mạng xã hội, trên online hay tại những nơi mà cơ quan chức năng ít để ý tới như vụ 29.100 khẩu trang y tế không có chứng từ hợp pháp ở P.Hòa Khánh Bắc, đối tượng N.V.P thực hiện việc tàng trữ và mua bán tại căng-tin khu nhà trọ; núp bóng danh nghĩa mua cho gia đình hoặc mua hộ cho người thân, bạn bè sử dụng để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng thực chất là mua đi bán lại kiếm lời.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống đại dịch này, đồng thời góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội trên địa bàn TP. Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP, cho biết: Trong thời gian đến, Cục QLTT TP sẽ đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng khác, nhất là lực lượng CA các cấp để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường và quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hàng không đảm bảo VSATTP…, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, dược phẩm, vật tư và trang thiết bị y tế, v.v… Đặc biệt, để công tác này có hiệu quả hơn nữa, nhất là trong mùa dịch Covid-19, Cục QLTT TP mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ người dân thông qua việc cung cấp thông tin, phản ánh, tố cáo các trường hợp buôn gian bán lận đến “đường dây nóng” của Cục QLTT TP. Cụ thể, số điện thoại “đường dây nóng” là: 0898.243333 (ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng) hoặc số máy bàn: 0236.3624154.

PHÚ NAM