Quyết liệt xử lý xe ô-tô chở quá tải trọng

Thứ năm, 25/12/2014 10:25

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-12, Bộ CA và Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện việc TTKS, xử lý vi phạm chở quá trọng tải đối với ô-tô vận chuyển hàng hóa. Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ CA đồng chủ trì hội nghị với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng và ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT TP chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc CATP và Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đăng Huy
chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Quyết liệt xử lý

Thực hiện Kế hoạch số 12593 giữa Bộ CA và Bộ GTVT về phối hợp thực hiện TTKS, xử lý hành vi vi phạm chở quá trọng tải đối với ô-tô vận chuyển hàng hóa, các lực lượng của 2 ngành đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện và bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Bộ GTVT đã trang bị 63 xe kiểm tra trọng tải xe (KTTTX) lưu động, tổ chức kiểm soát 24/24 giờ các ngày trong tuần. Lực lượng CA đã bố trí gần 1.000 CBCS tham gia, ngành GTVT bố trí gần 800 cán bộ phối hợp tại các điểm KTTTX. Qua kiểm soát, từ ngày 16-12-2013 đến 31-7-2014, các điểm KTTTX lưu động đã dừng, kiểm tra 223.299 ô-tô, phát hiện và lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm (quá tải 24.449 trường hợp, vi phạm kích thước thùng xe là 1.582 trường hợp), xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 114 tỷ đồng, tạm giữ hơn 1.000 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 18.883 trường hợp và xử lý hạ tải 9.830 phương tiện vi phạm với 59.325 tấn hàng.

Ngoài ra, qua TTKS theo chỉ đạo của Bộ CA, CA 63 địa phương đã tăng cường lực lượng, phương tiện thiết bị kỹ thuật tổ chức TTKS, xử lý vi phạm...  Qua đó, lực lượng CSGT đã dừng, kiểm tra hơn 59.000 ô-tô tải, phát hiện và lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 76 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, công tác xử lý ô-tô vận tải vi phạm tải trọng thời gian qua đã được sự đồng tình và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được nhân dân, các doanh nghiệp (DN) vận tải, chủ xe chấp hành khá nghiêm túc... Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải vẫn hoạt động nhiều và diễn biến hết sức phức tạp ở một số địa phương. Vì vậy, thời gian tới cần xác định việc xử lý xe chở quá tải trọng là nhiệm vụ trọng tâm, cần được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải...

Xe chở gỗ “siêu trọng” bị lực lượng chức năng bắt giữ trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: C.H

Tiếp tục siết chặt

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đơn vị địa phương vẫn tỏ ra lo lắng vì còn nhiều vấn đề phát sinh như: tiêu cực tại các trạm cân, hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường... Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo. Cuối năm 2013, UBATGTQG đã có văn bản “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện”. Tiếp đó, Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Xuân Phúc cũng có văn bản kết luận xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ. Nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, tiến hành bắt, khởi tố nhiều đối tượng vi phạm.

Đối với việc xe chở quá tải xin hạ tải và một số địa phương xin kinh phí xây dựng trạm hạ tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện Bộ GTVT cũng đang xây dựng đề án xã hội hóa việc xây dựng các trạm cân, giao cho các đơn vị thực hiện và tổ chức thu phí để bù đắp lại chi phí xây dựng. Bộ cũng tính đến việc lắp đặt các trạm cân cố định tại các trạm thu phí BOT, sử dụng camera để xử phạt nguội...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương đánh giá cao sự cố gắng của 2 ngành trong công tác xử lý xe chở quá trọng tải trong thời gian qua, hoan nghênh tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý. Đồng thời cho rằng, để công tác xử lý xe chở quá tải trọng đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới 2 ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để chủ xe, chủ hàng, chủ DN nắm được và thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước. Yêu cầu Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam vận động hội viên, ký cam kết thực hiện nghiêm túc.

Các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông phối hợp với CA các đơn vị địa phương tăng cường các biện pháp TTKS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đồng thời tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm thậm chí xử lý hình sự các hành vi tiếp tay cho nạn bảo kê, cò mồi hối lộ cho xe quá tải trọng... Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT và các cơ quan quản lý đường bộ siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá trọng tải, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ. Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép lưu hành với thủ tục hành chính nhanh gọn... Ngoài ra, cần xem xét các trường hợp vi phạm phạt cho đi, buộc hạ tải, buộc quay về nơi xuất phát. Kịp thời khen thưởng các đơn vị, doanh nghiệp, chủ xe nghiêm chỉnh chấp hành tải trọng để động viên, khích lệ.

Nguyễn Tuấn