Ra mắt "119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em": Cẩm nang trò chơi dân gian Việt Nam

Thứ ba, 06/10/2020 14:44

"119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em" là tựa đề tập sách của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sưu tầm và biên soạn, do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành. Khổ sách: 16 x 24 cm. Số trang: 324 trang. Tranh bìa: Nguyễn Văn Tám. Minh họa: Lê Huy Hạnh, Tâm Nguyễn.

Bìa sách "119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em".

Ngay lời mở đầu tập sách, tác giả nêu rõ: "Nội dung tập sách này không phải là tuyển tập trò chơi dân gian Việt Nam, cũng chưa phải là trò chơi chọn lọc! Chúng tôi chỉ đi sâu giới thiệu 119 trò chơi dân gian, đồng dao gần gũi với trẻ em Việt Nam". Cụ thể, sách bao gồm 3 chương chính, đó là: 1/ Ba mươi sau trò chơi thiên về vận động 2/ Năm mươi lăm trò chơi thiên về khéo léo   3/ Hai mươi tám trò chơi thiên về trí tuệ. Phần phụ lục, có các bài đồng dao do tác giả tập sách phổ lời, ký âm hoặc sưu tầm; những ca khúc dành cho trẻ em trước hoặc sau khi chơi trò chơi; các kịch bản trò chơi đồng dao trên truyền hình…

 Trong mỗi bài viết của tập sách, ở mỗi trò chơi đều có hướng dẫn: đối tượng – địa điểm, lời bài hát, cách chơi. Thỉnh thoảng, còn kèm theo hình vẽ mình họa. Thật sinh động biết bao, khi chúng ta gặp gỡ những lời đồng dao dễ thương ở các trò chơi như: "Nhắc cò cò…/Lên trên o (cô)/ Xin miếng nác (nước)/ Vẽ dưới bác/ Xin miếng xôi/ Lên trên trời/ Rụng cái độp..." (Nhắc cò cò). Hoặc: "Vuốt hột nổ/ Đổ bánh bèo/ Xào xạc – Vạc kêu/ Nồi tròn – vung méo/ Cái kéo thợ may/ Cái cày làm ruộng/ Cái phẳng phát bờ/ Cái lờ thả cá…" (Vuốt hạt nổ). Và : "Giã chày một/ Hột gạo vàng/ Sang chày đôi/ Dôi thóc mấy/ Giã chày bảy/ Đẩy chày ba/ Các cô nhà ta/ Đi ra mà giã" (Giã chày một)...

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh vốn sinh ra ở nông thôn, nơi đồng chiêm trũng, châu thổ sông Hồng, lớn lên độ tuổi mục đồng đã hấp thụ, gắn liền với nhiều trò chơi dân gian, đồng dao. Bước sang tuổi trưởng thành, anh lại may mắn được gần gũi, "tháp tùng" với một số vị cao niên xâm nhập lĩnh vực văn nghệ dân gian. Anh có thời gian 8 năm liền giảng dạy, truyền bá đồng dao, dân ca Việt Nam cho trẻ em trên sóng Truyền hình Việt Nam, có tác dụng rất lớn trong việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là giữ gìn các làn điệu dân ca của cha ông ta để lại, được công chúng cả nước yêu thích và đón nhận. Hơn 15 năm tham gia cùng GS-TS KH Tô Ngọc Thanh, cố NSND, biên đạo múa Ybrom chủ trì các cuộc liên hoan Dân ca- Dân vũ (dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây nguyên). Từng lăn lộn cùng các nhạc sĩ Trần Hồng, nhạc sĩ Trương Đình Quang, NSƯT Thiện Tâm... dàn dựng nhiều chương trình Giai điệu miền Trung (dân ca Nam Trung bộ), giới thiệu chân dung các nghệ sĩ dân gian, các trò đồng dao Nam Trung bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Theo nhận định của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: "Trẻ em ngày nay có nhiều sự lựa chọn về trò chơi hơn trẻ em ngày xưa, nhưng trò chơi đồng dao do dễ chơi - không đòi hỏi quá cao điều kiện về sân bãi và dụng cụ chơi, chưa kể còn được hỗ trợ bởi sức hấp dẫn của âm nhạc- nên vẫn có ưu thế nhất định để có thể tiếp tục đồng hành với trẻ em đương đại. Đương nhiên sở thích của người- chơi- trẻ- em thường đa dạng: có em thích chơi thể thao có em thích chơi đồng dao; ngay cùng thích chơi thể thao nhưng có em thích bóng bàn, có em thích bóng đá, thậm chí có em thích đánh cờ; hoặc cùng thích trò chơi đồng dao nhưng có em thích Dung dăng dung dẻ, có em thích Tập tầm vông…" Chính vì vậy, ông Bùi Văn Tiếng lạc quan, tin tưởng: "trẻ em đương đại rất cần những tập sách như "119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em" của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh mà bạn đọc đang có trên tay. Là người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, đồng thời là một nhạc sĩ và là một thầy giáo dạy âm nhạc, khi biên soạn tập sách này, Trịnh Tuấn Khanh có nhiều thuận lợi hơn những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian không am hiểu nhạc lý".

Đáng quý hơn nữa, là song song với việc giới thiệu chi tiết 119 trò chơi, tác giả còn tạo điều kiện cho các em tiếp cận với 60 bài hát (phần nhiều là những khúc đồng dao) được phổ nhạc, ghi âm, ký âm theo tiết điệu của trò chơi, hoặc "thanh bằng thanh trắc" của lời đồng dao tiếng Việt. Hy vọng, "119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em" của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sẽ nhanh chóng được các em tiếp cận và ứng dụng vào các sinh hoạt vui chơi.

TRẦN TRUNG SÁNG