Ra tuyên bố chung “Nói không với gỗ bất hợp pháp”

Thứ bảy, 27/05/2017 10:27

(Cadn.com.vn) - Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp” do các Hiệp hội Gỗ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức chiều 26-5, tại Hà Nội đã bàn thảo hàng loạt các vấn đề liên quan, trong đó nổi lên là vấn đề ngành gỗ thường phải đối mặt với sự pha trộn các nguồn gỗ nguyên liệu được coi là có rủi ro cao về pháp lý, thường có nguồn gốc từ khu vực như Tiểu vùng sông Mê Kông với các nguồn gỗ nguyên liệu sạch, được nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ và EU.

Thực tế, nguồn cung gỗ hội nhập càng sâu rộng thì nguy cơ rủi ro càng lớn. Việc loại bỏ hoàn toàn nguồn cung gỗ nguyên liệu có rủi ro cao sẽ góp phần trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu ngành Gỗ Việt với cộng đồng Quốc tế. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã và đang giữ vị trí quan trọng trong số các nước cung gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Thương hiệu Gỗ Việt đã dần được hình thành và phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Tại hội thảo, đại diện các Hiệp hội Gỗ Việt như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ Bình Dương, Hiệp hội làng nghề Việt Nam... đã đánh giá về tác động hiện tại và tiềm năng đối với các làng nghề gỗ truyền thống đến doanh nghiệp và ngành chế biến, từ đó kiến nghị các giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu rủi ro cao tới các bên liên quan và xu hướng thay đổi của các nguồn cung này trong tương lai.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng.

Cũng tại hội thảo, đại diện các Hiệp hội ngành gỗ và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Việt đã đưa ra tuyên bố chung “Nói không với gỗ bất hợp pháp”, cam kết hợp tác xây dựng và phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu về ngành công nghiệp chế biến gỗ một cách toàn diện, công khai, minh bạch, tăng cường tính trách nhiệm giải trình trong cộng đồng doanh nghiệp, đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam và tuân thủ đầy đủ các quy định tại thị trường quốc tế.

“Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn thành việc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng. Áp dụng VPA trong tương lai đòi hỏi tất cả các sản phẩm gỗ được xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa phải là các sản phẩm hợp pháp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và kinh tế. Theo đó, các nguồn gỗ nguyên liệu có rủi ro cao sẽ khó có khả năng đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh VPA được áp dụng và sẽ bị loại khỏi chuỗi cung. Loại bỏ các chuỗi cung này cũng hoàn toàn nằm trong cam kết của Chính phủ vì nền quản trị lâm nghiệp có trách nhiệm, không chỉ trong khuôn khổ quốc gia mà còn trong mối quan hệ thương mại với các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Nguyễn Tôn Quyền nói.

B.Thùy – D.Thúy