Reinhard Heydrich và vụ ám sát thay đổi thế giới

Thứ ba, 29/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-6 tới, người dân Cộng hòa Czech sẽ kỷ niệm 70 năm vụ ám sát Reinhard Heydrich, một trong những nhân vật cao cấp nhất của Đức Quốc xã. Heydrich là tổng chỉ huy lực lượng an ninh của Đức Quốc xã và “kiến trúc sư” hàng đầu của “Giải pháp Cuối cùng” – kế hoạch diệt chủng người Do Thái tại Châu Âu trong Thế Chiến II. Y bị ám sát trong “Hoạt động Anthropoid”, do các binh sĩ thuộc quân đội lưu vong Tiệp Khắc tại Anh, nhảy dù từ một máy bay của Không quân Hoàng gia Anh, thực hiện. Điều này dẫn đến hành động trả thù khủng khiếp của trùm phát-xít Hitler sau đó.

Nhân chứng cuối cùng

Alois Denemarek, hiện 94 tuổi đang sống tại Nam Moravia, là một trong những người cuối cùng gặp sát thủ ám sát Heydrich. Đó là đầu tháng 6-1942, ông Denemarek đi từ Moravia đến Prague. Ở đó, trong một công viên nhỏ gần Bảo tàng Quốc gia, ông gặp lại người bạn thời niên thiếu của mình, Jan Kubis.

Vài ngày trước đó, Kubis và 2 người bạn cùng nhảy dù là Jozef Gabcik và Valcik Josef thực hiện một trong các cuộc tấn công táo bạo nhất trong Thế Chiến II: ám sát Reinhard Heydrich khi y đang trên đường đến Berlin để họp với Hitler. Heydrich được biết đến là một con người tàn bạo khủng khiếp, thậm chí vượt quá những “tiêu chuẩn” của Đức Quốc xã. Hitler nổi cơn thịnh nộ và phát động một cuộc truy lùng lớn. Theo lời kể, họ gặp nhau để bàn cách giúp một người nhảy dù bị thương, đang ẩn náu trong kho chứa cỏ của gia đình Denemarek. Kubis khuyên Denemarek không nên đưa người này đến Prague nhằm tránh gặp nguy hiểm. “Ông ấy trông có vẻ khá căng thẳng vào lúc đó”.

Reinhard Heydrich và sự trả thù của Đức Quốc xã tại làng Lidice. Ảnh: BBC 

Súng bị kẹt đạn

Câu chuyện về “Hoạt động Anthropoid”, do Cơ quan thi hành hoạt động đặc biệt (SOE) của Anh lên kế hoạch, được kể lại trong các bài viết, sách và phim ảnh.

Ngày 27-5-1942, chiếc limousine mui trần chở Heydrich chạy chầm chậm trên đường phố ở Prague, Gabcik được trang bị một khẩu súng máy Sten đã nhảy ra trước xe và bóp cò. Tuy nhiên, khẩu súng bị kẹt đạn. Heydrich ra lệnh cho lái xe dừng lại, và rút súng lục. Kubis ném một quả bom vào chiếc xe, và chạy trốn. Mặc dù bị thương và bị sốc, Heydrich vẫn đuổi theo những kẻ tấn công mình vài mét trước khi quay trở lại xe và gục ngã. Ban đầu có vẻ như nỗ lực giết Heydrich thất bại, nhưng Heydrich chết trong Bệnh viện Bulovka ở Prague 8 ngày sau đó do bị nhiễm trùng máu.

“Tôi vô cùng tự hào về những gì người bạn của tôi đã làm”, ông Denemarek nói với BBC. “Nếu không có Jan, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay. Một nửa quốc gia Cộng hòa Czech cũng không có mặt ở đây ngày hôm nay. Heydrich từng lên kế hoạch tàn sát khủng khiếp đối với  Cộng hòa Czech”, ông tiếp tục. Vào tháng 1 năm đó, Heydrich đã chủ trì Hội nghị Wannsee khét tiếng, trong đó đặt ra kế hoạch giết chết 11 triệu người Do Thái ở Châu Âu. Theo kế hoạch của Heydrich, người Slavs sẽ là đối tượng tiếp theo bị giết hại.

Bí mật bị lộ, thảm sát kinh hoàng

Kubis, Gabcik và Valcik ẩn nấp trong 3 tuần sau vụ ám sát trước khi bị lộ. Ngày 18-6-1942, họ bị bao vây khi đang ở trong hầm mộ của một nhà thờ. Trong một vài giờ, họ và 4 đồng chí bị hơn 700 quân Đức quốc xã bao vây và tấn công. Chúng đổ nước tràn ngập các hầm mộ. Cuối cùng, cả ba đều hy sinh. Giám mục Gorazd, linh mục Chính thống giáo, những người che chở họ, đều bị bắt, tra tấn và xử tử.

Ngày nay, cách nhà thờ vài trăm mét, tại Quảng trường Charles, mô hình một trại tập trung của Đức Quốc xã được dựng lên, một trong số hàng loạt các hoạt động nhân lễ kỷ niệm 70 năm vụ ám sát Reinhard Heydrich. Bên trong những túp lều bằng gỗ, những tài liệu về cuộc sống của 70 người giúp che chở 3 vị anh hùng này được trưng bày. “Vào năm 1942, Đức QUốC xã bắt đầu chiếm đóng Tiệp Khắc và dường như sẽ kéo dài mãi mãi. Hầu hết người dân Tiệp Khắc đều không có sức phản kháng bởi họ cảm thấy thất bại và tủi nhục. Vụ sát hại Heydrich  đánh thức người dân đứng lên chống Đức QUốC xã”, nhà báo Mikulas Kroupa, Giám đốc của dự án lịch sử của tờ Post Bellum, đơn vị tổ chức triển lãm cho biết.

Nhưng, sự mất mát về con người là quá lớn và là nỗi đau không thể nguôi ngoai. Gia đình 3 vị anh hùng bị xử tử sau đó. 2 ngôi làng Lidice và Lezaky- được cho là có liên quan đến những người nhảy dù bị san bằng. Người dân của 2 ngôi làng bị bắn hoặc bị gửi đến các trại tập trung. 15.000 người khác cũng gặp số phận tương tự.

“Sự ngu ngốc” của Heydrich

Trong khi đó, hàng loạt cuộc biểu tình thể hiện lòng trung thành với đế chế Đức QUốC xã được tổ chức tại Prague, người dân Czech bị bắt buộc phải tham dự.

Hitler tổ chức hai đám tang cấp nhà nước lớn cho Heydrich- một tại Prague, một ở Berlin. Tuy nhiên, trong thâm tâm, Hitler rất tức giận với “sự ngu dốt” của Heydrich, khi cho rằng việc Heydrich từ chối có vệ sĩ đi cùng hoặc mặc áo chống đạn cho chiếc xe của mình là “ngu ngốc”. Vị trí, nơi vụ ám sát Heydrich xảy ra, hiện đã trở thành một xa lộ mới. Một đài tưởng niệm được xây ở gần đó. Gia đình Alois Denemarek phải trả giá đắt cho việc giúp đỡ người lính nhảy dù bị thương. Một năm sau vụ ám sát Heydrich, Đức QUốC xã xông vào trang trại của họ, bắt giữ tất cả mọi người. Anh trai của Denemarek và người lính nhảy dù bị thương bị xử tử sau đó. Còn cha mẹ ông qua đời trong các trại tập trung.

Ông Denemarek may mắn thoát khỏi một cách kỳ diệu và sống sót. “Mặc dù tôi mất đi cả gia đình... Nhưng điều đó là không có gì đáng kể so với những tổn thất mà chúng ta sẽ phải chịu đựng nếu Heydrich vẫn còn sống”.

An Bình (Theo BBC)