Rộ phong trào quán ăn dùng muỗng không rãnh
Với sự kiên trì vận động của cán bộ Phòng Y tế, nhiều nhà hàng, quán ăn đường phố trên địa bàn Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng đã thay mới các loại muỗng có rãnh bằng muỗng trơn để dễ dàng rửa sạch, đảm bảo vệ sinh cho khách hàng khi ăn uống. Sau thời gian "hứng chịu" lời ra tiếng vào của nhiều chủ quán, bây giờ những người vận động đổi muỗng nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ bà con.
Một chủ quán ăn trên đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết du khách phản hồi dùng muỗng không rãnh có cảm giác rất sạch sẽ. |
Tại một cuộc họp giao ban vào năm 2017, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND Q. Hải Châu đã yêu cầu Phòng Y tế quận vận động các chủ quán ăn uống có giấy phép kinh doanh thay thế các loại muỗng có rãnh bằng muỗng không rãnh. Lãnh đạo quận coi đây là giá trị tăng thêm cho nhiệm vụ 4 an, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa như là nét đặc trưng trong phục vụ du khách tại quận trung tâm thành phố. Từ việc tuyên truyền, vận động, cán bộ Phòng Y tế đã thu gom muỗng có rãnh từ 850 cửa hàng ăn uống. Ông Võ Ngọc Đông - Trưởng Phòng Y tế quận cho hay, thời gian đầu một số chủ quán ăn tỏ ra khó chịu và còn hoài nghi về việc làm không có trong quy định nào cả, thậm chí nhiều người còn nghi cán bộ thu về để dùng! "Đây là một việc làm tế nhị, dù sao cũng là tài sản của người dân. Vì vậy, tất cả muỗng thu lại, chúng tôi niêm phong và có ghi chú rất rõ ràng. Nhiều chủ cửa hàng cho rằng thìa dù có rãnh nhưng đã được rửa sạch, nhúng lại nước sôi thì không thể mất vệ sinh được. Để thuyết phục, anh em phải thực hiện thử test để chứng minh là rất nhiều muỗng còn đọng lại tinh bột, dầu mỡ hoặc nước rửa chén. Khi đó người dân mới đồng ý", ông Đông kể. Mưa dầm thấm lâu, từ chỗ bị cự cãi, thậm chí là đòi lại tài sản, đến bây giờ nhiều người tự nguyện mang nộp muỗng có rãnh hoặc tự thay thế muỗng trơn dù giá thành đầu tư đắt hơn. Nhiều người còn gọi vui cán bộ Phòng Y tế quận là đội hình "muỗng không rãnh".
Tại nhiều tuyến phố thuộc quận Hải Châu, các nhà hàng, quán ăn đều đồng loạt dùng muỗng không rãnh. |
Theo Trưởng phòng Y tế Q. Hải Châu, với mật độ dân số lớn nhất Đà Nẵng, có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhiều tuyến phố du lịch nên ngoài những cửa hàng ăn uống thuộc diện có giấy phép kinh doanh thì còn có khoảng 1.500 quán ăn đường phố. Bắt đầu từ phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, phong trào dùng muỗng không rãnh đã lan rộng trên địa bàn. Tại các phường Phước Ninh, Hải Châu 1, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, Hải Châu 2, chính quyền còn đứng ra tìm các nguồn hỗ trợ để đổi hoặc cấp mới muỗng trơn cho các quán ăn. Giá trị tài sản không quá lớn nhưng đối với các quán ăn quy mô nhỏ, đây cũng là một sự hỗ trợ rất cần thiết. "Hiện các tuyến phố ẩm thực gần như đã thực hiện triệt để. Chúng tôi đang tiếp tục vận động để nhân rộng phong trào này trên địa bàn quận. Các phường đã đổi gần 10.000 muỗng không rãnh cho các quán ăn, nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và du khách", ông Võ Ngọc Đông cho hay. Chị Trần Thị Kim Thành (du khách người Hà Nội) ngạc nhiên vì hầu như nhiều người không để ý đến tiểu tiết trên bàn ăn, nhưng khi "bói không ra" một chiếc muỗng có rãnh tại nhiều nhà hàng trên phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng thì du khách tỏ ra thích thú. "Người ta thường chỉ quan tâm đến món ăn, khung cảnh quán xá, nhà hàng, giá cả thôi. Tôi nghĩ đây là một thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong việc chăm sóc khách hàng. Đây là một câu chuyện ẩm thực rất thú vị cho khách du lịch", chị Thành vui vẻ.
Ông Võ Ngọc Đông cho biết, muỗng có rãnh được thu về, có ghi chú cụ thể chủ sở hữu nhưng hiện các chủ quán ăn không ai tới lấy lại vì họ ủng hộ chủ trương dùng muỗng không rãnh. |
Ông Đặng Ngọc Hùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, việc vận động các quán ăn sử dụng muỗng không rãnh là một sáng tạo và có ý nghĩa rất thiết thực trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. "Không có quy định nào bắt buộc cả. Nhưng nếu tuyên truyền, vận động được thì quá tốt. Khâu vệ sinh cũng dễ dàng hơn mà ăn uống cũng an tâm". Từng là Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, gắn bó với công việc bếp núc, thức ăn, nước uống của các nhà hàng, khách sạn trong nhiều năm, ông Hùng cho rằng để thay đổi một thói quen của người kinh doanh không phải là chuyện đơn giản. Nhiều người cho rằng bao năm làm y như rứa đâu có việc chi mà phải thay đổi, nhưng phải kiên trì, phải tai nghe mắt thấy thì người ta mới tin. "Cái quan trọng nhất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bắt nguồn từ thức ăn, nguồn nước, nơi chế biến. Thay thế muỗng có rãnh bằng muỗng không rãnh mới chỉ là phần ngọn nhưng dù sao cũng là một việc làm cần nhân rộng, và thực tế là người dân rất hưởng ứng. Đây là hành động rất cụ thể trong nhiều nội dung của chương trình 4 an mà thành phố đang triển khai", ông Hùng đánh giá.
BẢO NAM