Rộn ràng mùa lân Trung thu Tứ Bàn
(Cadn.com.vn) - Tứ Bàn là địa danh quen thuộc xứ Hà Đông xưa của tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với nghề làm lân, múa lân, võ thuật, hát tuồng... Hằng năm, vào dịp Tết Trung thu, nghệ nhân làng lân Tứ Bàn lại tất bật với việc làm đầu lân bán ra thị trường và biểu diễn phục vụ nhân dân.
Khu vực Tứ Bàn xưa hiện nay một phần thuộc P. Phước Hòa, một phần thuộc P. Hòa Hương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hằng năm, cứ gần đến Tết Trung thu, các nghệ nhân làng lân lại bắt tay vào việc đắp lân, sư, rồng và tạo mặt ông địa... bày bán khắp phố phường ở Tam Kỳ. Đội lân Tứ Bàn cũng tích cực tập luyện, chuẩn bị phục vụ nhân dân và tranh tài trong các cuộc thi... Nhờ "thương hiệu" lân Tứ Bàn nổi tiếng nên các sản phẩm làng lân chiếm lĩnh thị trường lân rồng ở Tam Kỳ và nhiều nơi khác. Mỗi mùa Trung thu, các nghệ nhân làng lân Tứ Bàn làm và xuất bán ra thị trường gần 300 đầu lân, sư, rồng các loại và hàng trăm mặt nạ ông địa. Người rành chơi lân thích sản phẩm lân Tứ Bàn bởi kỹ thuật và mỹ thuật gửi gắm vào con lân. Từ việc tạo hình đầu lân đến dán giấy, sơn màu, kẻ vẽ, trang trí... là những công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm say mê của các nghệ nhân. Chính vì thế mà đầu lân, sư Tứ Bàn có thần thái oai vệ, nhưng cũng uyển chuyển, sống động...
Đội lân Tứ Bàn thu hút người dân đến xem biểu diễn. |
Nhiều nghệ nhân làng lân truyền thống Tứ Bàn âu lo nghề truyền thống này rồi cũng mai một theo thời gian... bởi nghề lân chỉ "ăn theo" mùa Trung thu, thời gian còn lại trong năm họ phải bươn chải nhiều việc để mưu sinh. Cạnh đó, giá cả các nguyên vật liệu như giấy, sơn màu, len, chỉ... đều tăng. Con lân Tứ Bàn làm rất kỳ công và đẹp, nhưng lại không cạnh tranh với lân bằng nhựa trên thị trường, vì giá thấp hơn. Sau khi ông Trương Sơn, một trong những nghệ nhân làng lân Tứ Bàn mất vì bạo bệnh hơn 4 năm nay, sản phẩm làng lân Tứ Bàn cũng thưa vắng dần trong các mùa Trung thu. Người làm lân như ông Nguyễn Sanh Thân, Trương Tài, Trương Lợi, Trương Anh Tuấn... cũng không mặn mà với nghề. Đội múa lân nổi tiếng trong vùng cũng im tiếng trống, để lại bao nuối tiếc cho người dân địa phương cùng những người yêu mến lân Tứ Bàn...
Anh Phan Vũ Hòa (thứ hai, bên phải) tâm huyết với việc khôi phục "thương hiệu" lân Tứ Bàn. |
Đến Hòa Hương trong những ngày này, lại nghe tiếng trống, tiếng xèng rộn rã và chứng kiến cảnh tập luyện khẩn trương của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Lân sư rồng Tứ Bàn. Niềm vui hiện rõ trên mặt mọi người. Anh Phan Vũ Hòa, Chủ nhiệm CLB Lân sư rồng Tứ Bàn cho biết, mỗi mùa Trung thu anh bỏ tiền túi gần 100 triệu đồng để đầu tư con lân, mua sắm dụng cụ, áo quần, chi phí tập luyện và biểu diễn cho anh em trong CLB. "Tôi làm là vì đam mê với nghệ thuật múa lân, với mục đích góp phần cùng bà con khôi phục danh tiếng xứ lân Tứ Bàn" - anh Hòa chia sẻ. Sự chơi lân sư rồng cũng lắm công phu! Mùa Trung thu này, CLB Lân sư rồng Tứ Bàn xuất quân với đội hình lên tới 50 thành viên! Riêng hai con lân, anh Hòa rước nghệ nhân lân Tứ Bàn hiện sống tại Đà Nẵng về tạo tác ngay trên xứ đất xưa với số tiền 15 triệu đồng. Dàn trống, xèng của đội lân cũng tốn hết 15 triệu đồng và được giao cho 10 người chuyên trách. Thành viên trong CLB đều xuất thân từ làng lân Tứ Bàn nên việc tập luyện, biểu diễn rất khí thế. Ngoài tham gia tranh giải tại cuộc thi lân sư rồng do TP Tam Kỳ tổ chức, CLB Lân sư rồng Tứ Bàn luôn kín lịch biểu diễn trong dịp Trung thu. Ông Nguyễn Bảy, người dân trên đường Lý Thường Kiệt, TP Tam Kỳ cho rằng: "Lân Tứ Bàn được làm bởi những nghệ nhân có tay nghề cao, con lân rất đẹp, rất sáng tạo. Ở Tứ Bàn cũng có hai lò võ nổi tiếng. Người học võ tham gia múa lân nên có bài bản, thực hiện nhiều động tác phức tạp gây ấn tượng cho người xem. Đội lân Tứ Bàn được nhiều người thích vì hội đủ các yếu tố ấy".
Thạch Hà