Rồng phượng xứ Huế qua tranh Tôn Thất Sa

Thứ ba, 06/02/2024 10:43
Nhắc đến rồng, lập tức người ta nghĩ ngay đến xứ Huế bởi vì nơi đây là đất thần kinh của vua chúa, với những đền đài, lăng tẩm... như dân gian truyền tụng: “Rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai”. Thế nhưng, để có được những hình tượng rồng uy nghi, uốn lượn còn lưu lại đến tận ngày nay, qua biết bao biến động lịch sử của triều Nguyễn, một gương mặt không thể không nhắc đến là họa sĩ Tôn Thất Sa, tác giả của những phác thảo rồng phượng và lăng tẩm nổi tiếng nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Long mã trên bức bình phong Khổng Miếu Hội An (1962).
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại bờ Nam sông Hương.

Họa sĩ Tôn Thất Sa sinh ngày 15 tháng giêng năm 1882, mất ngày 22 tháng 2 năm 1980, là cháu trực hệ bốn đời của Nguyễn Phúc Chu - Chúa Nguyễn thứ 6 của xứ Đàng Trong. Ông sinh ra ở Vạn Xuân, Kim Long, Huế.

Khi còn nhỏ, Tôn Thất Sa được học với linh mục Dangelzer. Nhờ có khiếu về mỹ thuật, ông được gởi qua học hội họa và nặn tượng với Renaud - giám đốc Chủng viện Phú Xuân để rồi không lâu sau, ông trở thành một họa viên xuất sắc. Đầu thế kỷ XX, người Pháp mở Trường Kỹ nghệ Huế (École Professionnelle), Tôn Thất Sa được mời dạy môn kỹ thuật họa. Đến năm 1906, qua một kỳ thi, ông được bổ nhiệm chính thức làm giáo sư hội họa của trường kỹ nghệ đầu tiên ở Huế. Cũng trong thời gian này, ông được mời dạy hội họa cho học sinh các trường Quốc Học (từ năm 1920), Đồng Khánh, Bình Linh và trường Nữ Jeanne d’Arc, Pellerin... Mặc dù xuất thân trong một gia đình thuộc hoàng tộc rất sùng bái đạo Phật, Tôn Thất Sa học với LM Dangelzer suốt thời ấu thơ nên dần dần có thiện cảm với giáo hội Công giáo và sau đó chịu phép bí tích, gia nhập giáo hội. Vảo khoảng 22 tuổi, ông đã yêu và cưới cô Maria Phan Thị Nữ, một cô gái thuộc một gia đình theo đạo Công giáo tại Vạn Xuân, Kim Long.

Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Sa đã cộng tác đắc lực với báo Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), đặc biệt với LM chủ bút Léopold Cadière trong việc minh họa các bài viết. Từ năm 1906 đến năm 1944, các tranh màu nước và khắc gỗ của Tôn Thất Sa là kho tàng vô giá cho các thế hệ tiếp theo. Chỉ riêng cuốn L’art de Huế (Nghệ thuật Huế) đã giúp không những người nước ngoài mà cả người trong nước, nhất là những thế hệ sinh sau đẻ muộn, tự hào về nền mỹ thuật Việt Nam và đã giúp ích rất nhiều cho việc trùng tu và phục chế các công trình mỹ thuật. Tôn Thất Sa còn để lại những công trình góp phần vào di sản kiến trúc của Huế như Đài Kỷ niệm bên bờ sông Hương, lầu chuông Quốc Học... Ông đã được triều đình Huế ban chức “Hiệp sĩ triều đình” và xếp vào bậc Hồng Lô Tự Khanh. Chính nhờ công sức và tài năng, ông đã nhận được nhiều huân chương cao quý của triều đình Việt Nam, Pháp và Campuchia...

Chân dung họa sĩ Tôn Thất Sa.

Theo linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng (1942- 2018), người đã cố gắng đi tìm nguồn gốc của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa, ấn tượng có được khi nhìn thấy tác phẩm “Long mã phủ đồ Khổng Miếu Hội An” của Tôn Thất Sa vào năm 1970 là một ấn tượng rất mạnh mẽ và khó quên. Thuở ấy, một người rất am tường nghệ thuật Việt Nam đã nói với ông: “Bức bình phong Long mã phủ đồ ở Khổng Miếu Hội An đẹp nhất Việt Nam”. Để tìm hiểu ai là tác giả của bình phong này, Linh mục Thăng đọc thấy trong Cổ Học Tinh Hoa Văn Tập (số đặc biệt Khánh thành Miếu và Đài Kỷ niệm của Tỉnh hội Việt Nam Cổ học Việt Nam năm 1962) nhiều thông tin về Khổng Miếu và bức bình phong Long mã phù đồ. Trong sách ghi rõ tác giả là “Lão họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ kiểu và các tay thợ điêu luyện chốn Đế kinh thực hiện. Tốn phí hết 11.000$.

Về sau, trong một dịp ghé thăm quê hương của họa sĩ Tôn Thất Sa, linh mục Thăng thật bất ngờ khi gặp một bức bình phong trên sân nhà thờ Kim Long, Huế; phong cách bức bình phong này hơi giống bức bình phong Khổng Miếu Hội An. Thế là ông hiểu ra ai là tác giả và nhờ đó tìm được ngôi nhà cùng người thân của họa sĩ Tôn Thất Sa.

Long mã trên bức bình phong Khổng Miếu Hội An (1962).

Linh mục Thăng cho biết, dịp này, ông đã gặp bà Tôn Nữ Thị Yến, ái nữ của họa sĩ Tôn Thất Sa. Bà Yến cũng khẳng định: “Ba tôi nổi tiếng vẽ rồng. Rồng Tôn Thất Sa chắc phải đứng riêng một cõi trong số rồng trang trí Nhà Nguyễn tại Huế”. Tuy nhiên, đến nay, qua bao biến động của lịch sử, bộ sưu tập BAVH và nhiều bản vẽ, tranh vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa đã bị hủy hoại, chỉ còn lưu giữ được một ít hình ảnh gia đình, một số bằng khen của triều đình Huế, của người Pháp, người Lào... và may mắn thay còn một bức vẽ màu nước cỡ 30cm x 50cm, chất liệu giấy vẽ “Canh xông” (Carlson), trong tình trạng có nhiều nếp gấp, bị hoen màu. Linh mục Thăng đã đề nghị bà Yến trao các bằng khen cho Tòa Giám mục Huế bảo quản. Riêng ông xin giữ bức vẽ màu nước đã “xuống cấp” này để tưởng nhớ lão họa sĩ tài ba. Điều may mắn nữa là trên bức tranh này có chữ ký quen thuộc của họa sĩ Tôn Thất Sa vào thời điểm sáng tác: 1948. Chi tiết đó cho biết thời điểm ra đời của bức họa và cho biết phần nào tình trạng của các di tích trong tranh, trước khi vua Bảo Đại trở lại Huế.

Các nhà chuyên môn khẳng định: ngành Huế học hiện tại có thể thêm phần phong phú, thêm một khía cạnh độc đáo nếu dành một vị trí trang trọng cho người nghệ sĩ tài hoa này bởi công lao lớn nhất của ông đối với Huế không chỉ là việc dùng óc tưởng tượng phong phú, tài năng phác họa mô hình để lập nên những bản đồ án sau này sẽ trở thành những công trình kiến trúc để đời trên đất Huế, mà còn là ở việc mô tả lại rất nhiều công trình kiến trúc, những di tích lịch sử đã bị mai một hay tàn phá bởi chiến tranh và thời gian. Thế nhưng, đáng tiếc thay, đến nay, tên tuổi của Tôn Thất Sa vẫn ít được nhắc đến trên sách báo chính thống; thậm chí nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp Mỹ thuật Huế không hề biết họa sĩ Tôn Thất Sa là ai!

TRẦN TRUNG SÁNG