Rong ruổi đi tìm mùa khô

Thứ hai, 19/04/2021 18:00

Đầu tháng 4 này, anh Lê Tấn Vương (50 tuổi, trú huyện Chư Prông, Gia Lai) đưa 200 thùng ong, giá trị hơn 200 triệu đồng của mình xuống khai thác mật keo ở các cánh rừng ven tuyến QL14G (đoạn qua xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Việc di chuyển đàn ong từ nơi này đến khác cũng rất rủi ro, đợt này anh mất trắng 20 thùng do ong chết ngạt.

Người nuôi ong cần mẫn kiểm tra các cầu mật. 

Chu kỳ hằng năm trong nghề nuôi ong lấy mật được anh Vương mô tả: Từ tháng 11 đến tháng Giêng, đưa đàn ong qua Đắk Nông và vùng giáp ranh Bình Phước lấy mật hoa điều, cao su; đến tháng 2 về lại Gia Lai, Đắk Lắk lấy mật hoa cà phê; tháng 4 di chuyển ra Quảng Trị hoặc các vùng rừng núi Đà Nẵng lấy mật keo lá tràm. Sau đó, di chuyển đàn ong vào Đông Nam Bộ tránh mưa, rồi về lại quê nhà chăm sóc, bảo dưỡng... Nhìn anh và người con trai làm việc, chúng tôi ngầm so sánh: Loài ong vốn chăm chỉ, con người cũng cần cù biết bao. Khi Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, cha con anh lại “quẩy gánh” đi tìm mùa khô trên những vùng đất khác.

Anh Vương chia sẻ, quanh năm rong ruổi khắp nơi với vô vàn thử thách, nhưng nghề này vẫn có sức hút đối với bản thân anh. Để có những lít mật ong chất lượng, anh phải lưu trú đàn ong của mình ở những cánh rừng xa xôi, hẻo lánh. Chuyện ăn ở, sinh hoạt, ngủ nghỉ đều gặp khó khăn. Vì, sống giữa đại ngàn, rừng núi, nơi xa dân cư, làm gì có nơi giải trí. Đó là chưa kể lúc ốm đau hay gặp tai nạn bất ngờ, thì thân phận của người nuôi ong rất bấp bênh, nhưng bù lại nghề này cũng mang lại những thú vui riêng. Ở đây chưa cần nói đến hiệu quả kinh tế, mà qua nghề này, người nuôi ong còn rút ra được kinh nghiệm cho mình về dự đoán thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh trưởng của loại cây trồng ở các vùng miền. Nơi nào, ở đâu, cây gì đang trổ hoa là người nuôi ong buộc phải nắm bắt được hết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Kỳ (58 tuổi, trú huyện Định Quán, Đồng Nai) lần này quay lại dựng lều, đặt 600 thùng ong cùng với 2 lao động giúp việc ở các rẫy keo ven Ngã 3 sông An Lợi - Lỗ Đông (vùng giáp ranh 2 xã Hòa Nhơn - Hòa Phú). Nhớ lại những ngày đầu mới làm quen với con ong, ông Kỳ đã thất bại nhiều lần khi không thể nhân giống được đàn ong. Càng thất bại, ông lại càng quyết tâm và cuối cùng thành công cũng đến với người nông dân cần cù này. Hiện tại, mỗi lần khai thác mật, ông và các đồng nghiệp mang kèo ong cho vào một chiếc thùng kín rồi xoay nhiều vòng để ấu trùng ong văng ra khỏi kèo, như vậy lúc ép mật, ong non không bị chết yểu. Từ lúc áp dụng cách này, ông đã giữ được số lượng đàn ong ổn định, thuận lợi việc nhân đàn, tách đàn. Mỗi năm, ngoài chi phí thuê lao động, phương tiện di chuyển, ông cũng kiếm được hơn 200 triệu đồng.

Sử dụng thùng kín để giữ lại ấu trùng ong lúc ép mật.

Ông Kỳ trải lòng, ông cha ta thường nói: “Làm ruộng ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng với người nuôi ong, không đứng, không nằm mà lại... chạy. Nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người chịu học hỏi và có “tâm” với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Trong quá trình chăm sóc, cũng cần theo dõi, phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời cho đàn ong để không làm ảnh hưởng đến năng suất khai thác. Thông thường, con ong chỉ lấy phấn hoa, hút mật vào những ngày đẹp trời. Nếu thời tiết thuận lợi, thì ong cần mẫn đi tìm mật, nhưng khi gặp mưa bão thì ong cứ ở lì trong tổ nên người nuôi phải cho ong ăn thêm đường, tránh bị mất sức. Tuy nhiên, những mối lo trên cũng còn có thể chủ động đối phó nhưng gặp phải trường hợp ong bị trúng độc thì hết thuốc chữa. Nhiều lúc, ong lấy mật xong chỉ kịp bay về tổ là lăn ra chết. Biết là ong bị trúng thuốc bảo vệ thực vật nên phải nhanh chóng di chuyển đàn sang vùng khác để hạn chế thiệt hại...

Có thể nói, những người nuôi ong lấy mật như anh Vương, ông Kỳ với cuộc sống rày đây, mai đó đã giúp cho họ quen chịu đựng, xem thường những nỗi gian truân, vất vả. Hễ ở đâu có hoa, có mật là người và ong tìm đến. Tính ra, mỗi năm người nuôi ong chỉ có mặt tại gia đình chừng 2 - 3 tháng. Thời gian còn lại, họ cùng với đàn ong rong ruổi khắp nơi mưu sinh.

VY HẬU